Vai trò của Đại Hội đồng Liên hợp quốc

zzzzzzzzz

Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Eleanor Albert và Leo Schwartz, CFR
Ngày 8 tháng 9 năm 2015

Giới thiệu

Từ khi ra đời vào 70 năm trước, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã là một diễn đàn của những tuyên ngôn chấn động, của những bài diễn thuyết nhiều khi táo bạo và những lần tranh luận quyết liệt về các vấn đề gây tranh cãi nhất trên thế giới, từ nạn nghèo đói và mục tiêu phát triển đến hòa bình và an ninh. Là một cơ quan thảo luận và đại diện của Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng đã tổ chức nhiều hội nghị lớn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York từ tháng 9 đến tháng 12 (mỗi năm), và sẽ tiến hành các phiên họp đặc biệt sau khi cần thiết.

Phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 9 năm 2015, và giới lãnh đạo và chính phủ các nước sẽ tập hợp lại để chuẩn bị cho cuộc tranh luận chung trong ngày 28 tháng 9. Năm nay chính là năm đánh dấu hạn chót trong kế hoạch thực hiện danh sách Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs)1, được xác lập trong phiên họp thứ 55 của Đại hội đồng vào năm 2000. Trong năm 2015, các quốc gia thành viên sẽ xem xét để thiết lập một chương trình nghị sự “chuyển hóa” cho giai đoạn sau năm 2015, đặc biệt tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững. Trong tháng 8 năm 2015, trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 70 của Đại hội đồng, các quốc gia thành viên đạt được thỏa thuận cuối cùng2 về danh sách mười bảy mục tiêu phát triển bền vững (SDG), bao gồm “xóa đói giảm nghèo với mọi hình thức và quy mô”.

Trong quá khứ, các chương trình nghị sự chính thức có thể bị lu mờ bởi tình hình khủng hoảng toàn cầu. Năm nay, phiên họp nói chung và những đối thoại bên lề của phiên họp nói riêng nhiều khả năng sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề như quá trình bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng3, khủng hoảng di dân toàn cầu4, tình hình xung đột ở Ukraine5, nội chiến Syria, và vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran .

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là gì?

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) là cơ quan phổ quát duy nhất đại diện cho năm cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc. Bốn cơ quan trọng yếu kia là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hiệp Quốc, Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc, và Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Như đã mô tả trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trách nhiệm của Đại hội đồng là tiến hành thảo luận, tranh luận, và đưa ra giải pháp về một loạt vấn đề liên quan đến hòa bình quốc tế và phát triển an ninh, bao gồm nhiệm vụ giải trừ quân bị, đấu tranh vì nhân quyền, bảo vệ luật pháp quốc tế, và làm trọng tài hòa bình giữa các quốc gia có tranh chấp.

Đại hội đồng có nhiệm vụ bầu các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác như Hội đồng Nhân quyền, và bổ nhiệm Tổng thư ký dựa trên đề nghị của Hội đồng Bảo an. Cơ quan trung tâm này còn xem xét các báo cáo từ bốn cơ quan trọng yếu kia của Liên Hiệp Quốc, đánh giá tình hình tài chính của các quốc gia thành viên, cũng như đảm trách vai trò cụ thể nhất là phê duyệt ngân sách của của Liên Hiệp Quốc. Đại hội đồng cũng làm việc với Hội đồng Bảo an để bầu nhóm thẩm phán trong Tòa án Công lý Quốc tế.

Những quốc gia nào là thành viên của Đại hội đồng?

Tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng. Còn chức Chủ tịch của Đại hội đồng thì thay đổi theo mỗi kỳ họp thường niên và được bầu bởi chính Đại hội đồng. Chủ tịch kỳ họp thứ 70 là Mogens Lykketoft, Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch. Chức chủ tịch lưu chuyển luân phiên trong Đại hội đồng, và mặc dù Hiến chương Liên Hiệp Quốc hoặc các quy định mang tính thủ tục của Đại hội đồng chưa chính thức quy định vấn đề này, chức Chủ tịch có thể thuộc về bất kỳ quốc gia nào không phải năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với quyền phủ quyết.

Mọi quyết định của Đại hội đồng đều cần hai phần ba số phiếu để được thông qua, và các nhóm quốc gia bỏ phiếu cùng khuynh hướng thường hình thành từ tập thể các nước có cùng chí hướng như G77, một liên minh lỏng lẻo của các nước đang phát triển. Ngoài ra, các nước không phải thành viên nhưng làm nhiệm vụ quan sát viên của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Vatican và Palestine, có quyền phát biểu tại các cuộc họp hội đồng nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Vấn đề quyền thành viên đôi khi có thể gây tranh cãi. Đài Loan đã bị từ chối quyền thành viên Liên Hiệp Quốc6 trong hơn hai thập kỷ qua do sự phản đối từ Trung Quốc, quốc gia đang giữ một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an và xem Đài Loan là một phần lãnh thổ. Tình trạng của Palestine tại Liên Hiệp Quốc cũng đang trong vòng tranh cãi. Phiên họp Đại hội đồng năm 2011 đã bị bao phủ bởi bầu không khí bất hòa trước lựa chọn có nên để Palestine trở thành một quốc gia thành viên, tuyên bố phủ quyết của Hoa Kỳ7 khi ấy đã khiến Hội đồng Bảo an không thể tiếp tục làm việc về vấn đề này. Tuy nhiên, tại kỳ họp của Đại hội đồng trong năm 2012, các nước thành viên đã thông qua một nghị quyết, với tỉ lệ 138 phiếu thuận – 9 phiếu chống (41 phiếu trắng)8, để nâng vị thế của Chính quyền Palestine từ tình trạng thực thể quan sát viên phi thành viên trở thành nhà nước quan sát viên phi thành viên. Một diễn biến như vậy khiến quốc gia này, vốn luôn phải tranh đấu để được xác lập vị thế như một nhà nước, ở vào tình trạng tương tự như Vatican và có thể hoạt động ở nhiều cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc.

Đại hội đồng đang có nhu cầu cải cách?

Chính xác là nhiều chuyên gia từ Liên Hiệp Quốc và nhóm các quốc gia tài trợ hàng đầu đều đồng ý như vậy. Trong nỗ lực làm sống lại ảnh hưởng của Đại hội đồng, cơ quan này đang chủ yếu tập trung tăng cường quyền lực 9 như một đối trọng với Hội đồng Bảo an, cũng như chú trọng cải thiện chất lượng của những cuộc tranh luận. Nhưng Đại hội đồng vẫn đang tiếp tục chống lại những nỗ lực cải cách sâu rộng, một tình hình phản ánh sự rạn nứt giữa nhiều thành viên là các nước đang phát triển, những nước muốn đạt được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc họp, với các quốc gia giàu có đang hoạt động như nhà tài trợ chính của Đại hội đồng. Tuy nhiên, đã có những cải thiện nhỏ diễn ra. Vào tháng 4 năm 2007, lần đầu tiên trong 60 năm, Đại hội đồng tiến hành một đợt chấn chỉnh quy mô10 hệ thống nội bộ Tư pháp của Liên Hiệp Quốc, và tuyên bố rằng hệ thống này “vừa chậm, vừa rườm rà, không hiệu quả và thiếu tính chuyên nghiệp”. Hệ thống mới, đi vào hoạt động từ năm 2009, đã chính thức trở thành một bộ phận trung gian trong Liên Hiệp Quốc.

Năm 2005, sau khi Tổng thư ký Kofi Annan trình bày một báo cáo11 chỉ trích việc Đại hội đồng tập trung quá nhiều vào sự đồng thuận và thông qua quyết định, một sự thống nhất của tập thể thực tế chỉ phản ánh “mẫu số chung nhỏ nhất” của mọi ý kiến. Michael W. Doyle, một chuyên gia quan hệ quốc tế hiện đang giảng dạy tại Đại học Columbia, khẳng định rằng Đại hội đồng là “một tổ chức quan trọng nhưng chưa bao giờ đi đến cùng trách nhiệm” như một cơ quan tranh luận thiết thực, và “tiến hành thảo luận không hiệu quả và tranh luận không trung thực”. Doyle, từng là trợ lý của Annan, nói rằng Đại hội đồng có thể tăng cường tính thích đáng bằng cách tổ chức các buổi điều trần với bằng chứng chuyên môn. Thực tế, Đại hội đồng đã đạt được nhiều nỗ lực trong những năm gần đây nhằm hoàn thành trách nhiệm theo cách thực chất và thích đáng hơn. Nghị quyết 59/313, được thông qua vào năm 2005, xác lập vai trò của chức chủ tịch của hội đồng với sức ảnh hưởng lớn hơn để góp phần đạt được mục tiêu này.

Đã bao giờ các nước thành viên bị trừng phạt bởi Đại hội đồng?

Đại hội đồng có quyền khiển trách các quốc gia vì vi phạm nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trong những năm 1960, Đại hội đồng đã trừng phạt Nam Phi vì cách đất nước này ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc, một hành vi vi phạm cả Nghị quyết Hội đồng Bảo an và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nam Phi được kết nạp lại vào Đại hội đồng trong năm 1994, sau quá trình cải cách dân chủ. Năm 1992, sau sự tan rã của Liên bang Nam Tư, Đại hội đồng ra nghị quyết từ chối việc Serbia và Montenegro tự động thừa kế quyền lợi của nước Nam Tư cũ, cũng như đề nghị các nước này đăng ký quyền thành viên Liên Hiệp Quốc một lần nữa và từ bỏ việc tham gia vào các cuộc thảo luận của Đại hội đồng.

Trong nhiều năm, Israel đã bị cấm phục vụ trong các hội đồng và ban hội thẩm của Liên Hiệp Quốc vì các vị trí này đã được phân bổ theo quyền thành viên dựa trên đặc điểm địa lý của các nước từ một trong năm nhóm khu vực của Liên Hiệp Quốc (Tây Âu và những vùng khác, Đông Âu, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ Latin và Caribbean ). Israel không phải là một thành viên của bất kỳ tập thể nào, vì các quốc gia Ả rập chặn liên kết thành viên của quốc gia này với nhóm các nước châu Á, bao gồm cả các quốc gia Trung Đông khác. Đến năm 2000, tình hình đã thay đổi khi Israel được phép trở thành một thành viên tạm thời của các nhóm khu vực Tây Âu và khu vực các quốc gia khác, nhờ nỗ lực của Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.

Trong tháng 8 năm 2012, với 133 phiếu thuận – 12 phiếu chống, Đại hội đồng đã tố cáo mạnh mẽ chính phủ Syria vì những tội ác mà chế độ này đã gây ra kể từ khi cuộc nổi dậy Syria diễn ra vào tháng 3 năm 2011. 33 nước quyết định bỏ phiếu trắng đối với giải pháp này, hướng giải quyết vốn đã được hỗ trợ áp đảo bởi các nước phương Tây và đồng minh.

Ngày 27 tháng 3, năm 2014, sau sự kiện Crimea tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập Nga, Đại hội đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là không hợp lệ, cũng như việc Crimea sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp. Nghị quyết được thông qua với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Một số hành động đáng chú ý của Đại hội đồng?

“Đại hội đồng không phải là một thể thống nhất. Nó chỉ là một tập hợp”, Đại sứ Donald McHenry, cựu Đại diện thường trực của Liên Hiệp Quốc đã khẳng định như vậy. Nghị quyết của Đại hội đồng luôn có sức nặng đáng kể, tuy nhiên, chủ yếu như những chỉ báo đối với vị thế các nước thành viên trong những vấn đề nhất định. Những nghị quyết này còn hữu ích trong việc phác thảo các nguyên tắc tổ chức và đề xuất các sáng kiến ​​cho các nước thành viên, ông McHenry cho biết thêm. Một số hành động của Đại hội đồng đã có ảnh hưởng hoặc gây tranh cãi nhiều hơn so với những sự kiện khác:

Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế: Trong năm 1948, hai năm sau khi triệu tập hội nghị khai mạc, Đại hội đồng đã công bố Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế12, trong đó có 30 bài báo phác thảo tiêu chuẩn toàn cầu về nhân quyền. Đấy là một bước ngoặt lịch sử khi Tuyên ngôn này khẳng định “phẩm giá vốn có” và “quyền bình đẳng và quyền bất khả xâm phạm của tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại”. Đại hội đồng đã kêu gọi tất cả các nước thành viên cùng hành động để việc “phổ biến, trình bày, tiếp nhận, và giảng giải” hiện diện trong mọi trường học và cơ sở giáo dục. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đã giúp soạn thảo và thông qua tuyên bố, nhấn mạnh rằng Tuyên ngôn “cũng có thể trở thành một văn bản Magna Carta13 cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền hiện vẫn gây tranh cãi, và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vẫn phải tiếp tục đối mặt với những lời chỉ trích, bởi nhiều nước thành viên của Đại hội đồng vẫn rất xem thường vấn đề nhân quyền.

Nghị quyết “Liên kết Toàn cầu vì hòa bình”: Năm 1950, Hoa Kỳ khởi xướng một giải pháp mang tính bước ngoặt của Đại hội đồng, là Nghị quyết 37714, còn được gọi là “Liên kết Toàn cầu vì hòa bình”. Nghị quyết này khẳng định rằng nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “không thực hiện được trách nhiệm chính” để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Đại hội đồng có thể và phải can thiệp và thúc giục các quốc gia thành viên cùng xem xét và hành động. Đại hội đồng đã viện dẫn đến nghị quyết này trong một vài trường hợp, bao gồm cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956. Sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc trong cuộc khủng hoảng này cuối cùng đã dẫn đến một lệnh ngừng bắn, rút ​​quân, và sự thành lập Lực lượng khẩn cấp đầu tiên của Hoa Kỳ (USEF), một lực lượng gìn giữ hòa bình. Nhưng trong sự kiện Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003 khiến một số tổ chức bất bình, họ đã vận động nỗ lực can thiệp pháp lý cả từ Trung tâm vì Quyền Lập hiến15, để Đại hội can thiệp và giải quyết tình thế bế tắc của Hội đồng Bảo an khi ấy, nhưng Đại hội đồng đã không làm vậy.

Tuyên bố Thiên niên kỷ. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rằng phiên họp thứ 55 vào năm 2000 sẽ được xem là kỳ họp Đại hội Đồng Thiên niên kỷ. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, Tổng thư ký Annan công bố Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố này đã đặt ra danh sách các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, một tập hợp của những mục tiêu “giới hạn thời gian và đo lường được”, với những hoài bão chính là xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn sự lây lan của HIV / AIDS, cải thiện vấn đề phổ cập giáo dục tiểu học. Các đề xuất khác bao gồm một chương trình nghị sự an ninh liên quan đến luật pháp quốc tế, những chiến dịch vì hòa bình, nỗ lực chấm dứt buôn bán vũ khí hạng nhẹ; và một chương trình khuyến khích bảo vệ môi trường như “một nền tảng đạo đức mới về bảo tồn và quản lý”. Các mục tiêu phát triển tiếp tục được viện dẫn bởi chính phủ của nhiều nước và các tổ chức phi chính phủ như một con đường thúc đẩy viện trợ nhiều hơn dành cho các nước đang phát triển. Nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục, trong mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và nạn nghèo đói. Tuy nhiên, khi thời hạn 2015 đã đến, Đại hội sẽ tiếp tục nhìn về tương lai, thiết lập kế hoạch sau năm 2015 cho những mục tiêu phát triển bền vững16.

Nghị quyết năm 1975 xác định “Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là phân biệt chủng tộc”: Nghị quyết này còn được gọi là Nghị quyết 3379, cũng là nghị quyết gây tranh cãi nhất trong lịch sử làm việc của Đại hội đồng, xác định rằng “Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là một hình thái của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hành vi gây chia rẽ chủng tộc”. Trước đấy, kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm phân vùng ở khu vực Palestine đã được chấp thuận và tạo nên Nhà nước Israel vào năm 1947. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày nghị quyết được thông qua, đại sứ Israel Chaim Herzog tuyên bố rằng, “đối với chúng tôi, những người Do Thái, nghị quyết này được tạo nên từ sự hận thù, dối trá và kiêu ngạo, và không có bất kỳ giá trị đạo đức hay pháp lý nào”. Và rồi ông xé làm hai một bản sao của nghị quyết. Đến năm 1991, Nghị quyết 3379 cuối cùng bị hủy bỏ. Đến năm 2001, trong một hội nghị quốc tế của Liên Hiệp Quốc về chống phân biệt chủng tộc ở Durban, Nam Phi, giọng điệu tương tự như cách nói về Chủ nghĩa phục quốc Do Thái một lần nữa xuất hiện nhưng sau đấy lắng xuống. 14 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ17, đã tẩy chay cuộc họp năm 2011 nhằm nhắc lại hội nghị về Durban và mỗi quốc gia đưa ra lý do khác nhau, nhưng hầu như đều bày tỏ mối quan ngại về vấn đề bài Do Thái.

© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – http://www.phiatruoc.info

1 http://www.un.org/millenniumgoals/

13 Magna Carta (là tiếng Latin, dịch là “Đại Hiến chương”), còn được gọi là Magna Carta Libertatum (“Đại Hiến chương về những quyền tự do”), là một văn kiện thời Trung cổ, được vua John của Anh chuẩn thuận ở Runnymede, gần Windsor, vào ngày 15 tháng 6 năm 1215. Văn bản này được soạn thảo lần đầu bởi Stephen Langton, tổng giám mục Canterbury nhằm mang lại hòa bình giữa nhà vua không được lòng dân và một nhóm các quý tộc nổi loạn. Hiến chương cam kết bảo vệ quyền lợi của giáo hội, bảo vệ các quý tộc không bị bắt giam bất hợp pháp, được tiếp cận nhanh chóng với công lý và hạn chế các đóng góp phong kiến cho nhà quân chủ.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s