Chuyện tổng tuyển cử thống nhất hai miền 1956

biathuhanjz

Sơ lược vấn đề

Chủ đề này tôi đã đề cập tới trong bài “Sáu mươi năm hiệp định Genève 1954 và cuộc Di cư vĩ đại” đăng năm ngoái 2014, nhưng gần đây có vài thân hữu đã thảo luận với tôi về vấn đề này. Có người cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sau năm 1954 đã không thi hành Hiệp định Genève tổ chức Tổng tuyển cử dự trù tháng 7 năm 1956 nên CS Hà Nội có cớ xâm chiếm miền nam bằng vũ lực. Tôi nghĩ chuyện này tuy xưa cũ nhưng vẫn còn được nhiều người quan tâm nên sẽ đóng góp thêm ý kiến, dữ kiện liên quan để vấn đề được sáng tỏ hơn. Tôi chỉ chú trọng riêng về đề tài này.

Hiệp định Geneve. Ảnh Internet

Để tìm hiểu về Hiệp định Genève và Tổng tuyển cử thống nhất quí độc giả có thể coi trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập của Nguyễn Đức Phương, phần Phụ Lục trang 930-943. Quí vị cũng có thể tìm trên Wikipedia (Yahoo, Google), đề tái này được nói rất rõ và chi tiết, ngoài các tác giả Pháp, Mỹ như Jean Lacouture, Fredrik Logevall (1) cũng viết về vấn đề này trong sách của họ.

Xin nói sơ lược về Hiệp định Genève

Ngày 26-4-1954 Hội nghị Genève khai mạc để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Cuộc họp thảo luận về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8-5-1954 (sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ). Các nước tham dự và đại diện gồm Anh, ngoại trưởng Eden; Pháp, Bidault, sau ngày 19-6 là Chauvel; Mỹ, Thứ trưởng ngoại giao Smith; Nga, ngoại trưởng Molotov; Trung cộng, Thủ tướng Chu ân Lai; Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Quốc Định, đầu tháng 7 là Trần Văn Đỗ; Việt Minh Thủ tướng Phạm văn Đồng.

Hiệp định được ký kết ngày 20-7-1954 gồm 4 văn kiện

1- Hiệp định đình chiến tại Việt Nam
2- Hiệp định đình chiến tại Lào
3- Hiệp định đình chiến tại Cao Mên
4- Tuyên bố cuối cùng, không có chữ ký

Tôi xin đi ngay vào đề tài, Hiệp định Genève được ký ngày 20-7-1954, nội dung chính nói về đình chiến, đất nước chia đôi tại vĩ tuyến thứ 17, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) đóng ở trên chính phủ Quốc Gia Việt Nam và quân Pháp rút vào nam dưới vĩ tuyến 17.

Ngày hôm sau 21-7-1954 Hội nghị nhóm họp trở lại và cùng nhau thảo bản Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm (2)

Bản tuyên bố cuối cùng về tái lập hòa bình Đông Dương không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào tham dự hội nghị, trong đó điều 7 nói nguyên văn:

“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”

Ta nên chú ý, trước nhất vấn đề Tổng tuyển cử dự trù năm 1956 chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý. Trên thực tế cuộc tổng tuyển cử tại VN năm 1956 không được các cường quốc quan tâm kể cả Nga, Trung Cộng, người ta chỉ muốn một hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Thứ hai nó không ấn định rõ ràng hai bên phải tổ chức bầu cử ra sao? không có những điều khoản chi tiết về Tổng tuyển cử. Nó ngụ ý hai bên Bắc và Nam tự giải quyết lấy vấn đề, tùy theo thiên chí của hai bên, hoàn toàn không mang tính mệnh lệnh, quy định phải thực hiện, nói chung mơ hồ.

Nó không ấn định bầu theo thể thức như thế nào, ai thắng sẽ được quyền lợi gì? thua sẽ ra sao? có thể hai bên sẽ đưa ra những thể thức thí dụ như dưới đây:

Nếu miền Bắc thắng cử thì ông Hồ Chí Minh sẽ làm Chủ tịch đứng đầu cả nước, ông Ngô Đình Diệm thất cử sẽ xuống làm thường dân. Ngược lại nếu ông Diệm thắng cử sẽ làm Tổng thống cả hai miền, ông Hồ sẽ xuống làm phó thường dân.

Hoặc theo thể thức khác như nếu miền Bắc thắng, ông Hồ Chí Minh sẽ làm Chủ tịch đảng kiêm chủ tịch nước, ông Ngô Đình Diệm sẽ làm phó chủ tịch đảng và phó chủ tịch nhà nước và dĩ nhiên ông Diệm phải vào đảng. Trường hợp ông Ngô Đình Diệm thắng cử thì sẽ làm Tổng thống cả hai miền, ông Hồ Chí Minh sẽ làm Phó Tổng thống và phải bỏ đảng
Chuyện này thật không tưởng và mơ hồ

Lật tẩy

Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa từ chối Tổng tuyển cử vì cho rằng miền Bắc không bảo đảm có bầu cử tự do, dân chủ. Hà Nội vận động quốc tế kêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Genève (Anh, Nga) để thực hiện Tổng tuyển cử. Tháng 6 năm 1955 Hà Nội tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với Sài Gòn nhưng không được đáp ứng. Trong khi tiến trình yêu cầu và từ chối đàm phán vẫn tiếp diễn, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Hà Nội) còn cố tái lập quan hệ thương mại giữa hai miền, để giúp “nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân”. Hà Nội đã gửi văn thư cho miền nam VN đề cập Tổng tuyển cử những năm 1955, 1956, 1957… và thậm chí sau khi đã phát động chiến tranh du kích tại miền nam 1958, 1959, 1960 nhưng họ vẫn yêu cầu miền Nam đàm phán.

Về mặt ngoại giao, tuy Hà Nội vận động kêu gọi thực hiện tổng tuyển cử nhưng chính Trường Chinh khi sang Mạc Tư Khoa họp Đại hội đảng CS Liên Xô năm 1956 đã tiết lộ với thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Vasilii Kuznetzov rằng Miền Bắc không hội đủ điều kiện để tổ chức bầu cử thống nhất. Việc vận động quốc tế chỉ là phương thức tuyên truyền, cũng là cách giải thích thất bại với quần chúng trong nước (3).

Các cường quốc kể cả Nga, Trung Cộng đã không ủng hộ lời kêu gọi tổ chức tuyển cử của miền Bắc mà muốn hai miền Nam- Bắc được giữ nguyên như thế (ở đâu ở đó). Trung Cộng cho rằng việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này

Sau khi ký Hiệp định Genève một năm Thủ tướng Ngô Đình Diệm nói không từ chối Tổng tuyển cử thống nhất hai miền nhưng thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ, ngoài ra ông không tin tưởng miền Bắc có thể bảo đảm bầu cử tự do.

Thực ra những năm 1955, 1956 tại miền Bắc cuộc cải cách ruộng đất dẫn tới nông dân nổi dậy ở vùng lân cận Vinh, người dân vô cùng căm phẫn. Miền Nam có chiến sự với các giáo phái khiến Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến tại Đông Dương (Ấn Độ, Ba Lan, Gia Nã Đại) không tin có thể có bầu cử tự do, nghiêm túc được. Ủy hội cũng không hy vọng bảo đảm một cuộc bầu cử thật sự tự do trong đó cử tri có thể bỏ phiếu theo ý muốn mà không sợ bị trả thù chính trị. Ủy hội đồng ý với quan điểm của Quốc gia Việt Nam (miền Nam) rằng miền Bắc không đủ điều kiện tổ chức bầu cử công bằng.

Nguyên văn trả lời của Thủ tướng Ngô Đình Diệm:

“Chính sách của chúng tôi là chính sách hoà bình. Nhưng không có gì có thể khiến chúng tôi đi chệch khỏi mục tiêu của chúng tôi là sự thống nhất đất nước, thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ. Vì dân tộc, chúng tôi sẽ đấu tranh hết sức mình cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ. Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử tạo thành một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do. Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức của Việt Minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc.” (4)

Quan sát viên của Ủy hội Quốc tế đồng ý với quan điểm của ông Diệm rằng miền Bắc không hội đủ điều kiện tổ chức bầu cử công bằng. CS Hà Nội vận động quốc tế thi hành Hiệp định Genève, thực hiện Tổng tuyển cử chỉ là để tuyên truyền, lấy cớ xin hiệp thương hai miền vì chính họ cũng thú nhận không đủ điều kiện tổ chức bầu cử.

Chính Trung Cộng sau này đã lật tẩy bộ mặt thật của đàn em Việt Cộng gian trá, Hà Nội không muốn Tổng tuyển cử chứ không phải họ tha thiết thống nhất bằng hòa bình. Theo tài liệu Quân sử của Bộ Trung Hoa Quân Mưu thì sự thất bại của Cải cách ruộng đất đã khiến cho CSVN không thể thực hiện Tổng tuyển cử được, cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của CSVN sụp đổ nên họ quay lưng với Hiệp định để gây chiến tại miền nam (5)

Hiệp thương là gì? Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cố tái lập quan hệ thương mại giữa hai miền, để giúp “nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân.” Cái này gọi nôm na là cò gỗ mổ cò thịt, miền Bắc từ sông Bến Hải trở lên, đông dân đất cầy trên sỏi đá, thiếu lúa gạo trầm trọng sau Hiệp định Genève muốn dụ hiệp thương để kiếm chút cháo của vựa lúa miền nam. VNCH giao thương với nhiều nước trên thế giới chẳng cần miền Bắc, vả lại Hà Nội lợi dụng cơ hội để đưa gián điệp, nằm vùng vào trà trộn thực hiện những âm mưu đen tối sau này.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa muốn lập quan hệ thương mại giữa hai miền (6) để trao đổi văn hóa, kinh tế xã hội. Hội nghị Trung ương đảng lần thứ tám (khóa hai) dự kiến:

“Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn.”

Cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền miền Nam từ chối cả việc thảo luận hiệp thương. Cái trò mập mờ đánh lận con đen của Hà Nội chẳng bịp được ai, vải thưa không che được mắt thánh. Họ đã đánh giá quá thấp hiểu biết của miền nam, tưởng như chính quyền này không hay biết gì, người ta đã quá rõ bộ mặt thật của Việt Minh từ 10 năm trước.
Trong hồi ký White House Years, Chương thứ 8, The Agony of Vietnam, Kissinger nói Hà Nội không bao giờ muốn Hiệp định và hòa bình, họ chỉ muốn chiến thắng quân sự.

Thật vậy, người CS chủ trương chính quyền đẻ ra từ họng súng, năm 1954 sau Hiệp định Genève họ để lại rất nhiều cán bộ, đảng viên nằm vùng, những năm 1957, 1958, 1959… tại miền nam Việt Cộng nổi lên y như ong vỡ tổ. Năm 1973, ký Hiệp định Paris , Cộng quân nhất định không chịu rút về Bắc, họ để lại gần hai trăm ngàn quân tại miền nam. Hiệp định Paris chưa ráo mực, CSBV mở xa lộ Đông Trường Sơn ngày đêm chuyển vận vũ khí vào nam chờ ngày tổng tấn công.

CSVN thừa biết bầu cử, Tổng tuyển cử rất khó ăn, cho dù thắng cử cũng không thể tiêu diệt hết đối phương ngay mà phải mất khá nhiều thời gian cho nên dùng bạo lực cách mạng như Lénine đã dậy là chắc ăn nhất.

Ai bầu cho Hồ Chí Minh?

Tác giả GS Fredrik Logevall trong cuốn sách nổi tiếng mới xuất bản gần đây, một công trình nghiên cứu lớn về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất có nói (7): Cả Nga và Trung Cộng đều muốn hoãn Tổng tuyển cử mà Phạm Văn Đồng đề nghị thực hiện sớm hơn, Việt Minh tin là họ sẽ thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Các nhà chính trị Tây phương Pháp, Mỹ, Anh biết là ông Hồ sẽ thắng trong cuộc Tổng tuyển cử nên muốn định ngày càng xa hoặc không định ngày càng tốt. Tổng thống Eishenhower nói có thể 80% người dân Việt Nam muốn bầu cho Hồ Chí Minh hơn là cho Quốc trưởng Bảo Đại. Phía CS cả Chu Ân Lai, Molotov đều không muốn bầu cử sớm, ngày 23-6-1954 Thủ tướng Pháp nói bầu cử khi nào hai miền đã bình tâm trở lại. Chu Ân Lai nói đàm phán thỏa thuận chính trị do hai chính phủ VN ( Nam , Bắc), ông không nói họ cần thương thuyết ngay. Ngoại trưởng Nga Molotov đề nghị năm 1955, Tây phương từ chối, cuối cùng ông đề nghị tháng 7-1956 tức hai năm sau.

Các nhà sử gia, chính khách Tây phương thường lý luận đơn giản theo kiểu Tam đoạn luận:

Người VN thù ghét thực dân Pháp, ông Hồ Chí Minh chống Pháp nên được dân ủng hộ

Người VN thù ghét Tây, ông Diệm, Ông Bảo Đại theo Tây không được dân ủng hộ

Thực tế cho thấy hai tuần sau khi ký Hiệp Định người dân miền Bắc từ bỏ quê cha đất tổ ồ ạt di cư vào Nam bằng máy bay tai các phi trường Hà Nội, Hải Phòng và bằng tầu thủy tại Hải Phòng. Tổng cộng có hơn nửa triệu người di cư bằng tầu thủy, hơn 200 ngàn di cư bằng máy bay, khoảng trên 100 ngàn di cư bằng đường bộ, thuyền hay phương tiện riêng, sau khi bức màn sắt buông xuống nhiều người dùng thuyền vượt tuyến vào Nam. Vì số người di cư quá đông nên Cao ủy Pháp đã xin Việt Minh cho gia hạn thêm 3 tháng, ngày cuối cùng là 19-8-1955 (thay vì 19-5-1955). Trong khi đó có hơn 100 ngàn người ra Bắc hầu hết là đảng viên, cán bộ tập kết cùng gia đình, có hơn 4,000 người di cư vào Nam xin trở về Bắc.

Tổng cộng có hơn một triệu người bỏ Việt Minh di cư vào Nam theo chính phủ Quốc gia là một cái tát vào mặt Bác và Đảng, hơn một triệu lá phiếu bằng chân cho thấy ai bỏ phiếu cho ai?

Cuộc di cư bị cấm đoán ngăn cản rất nhiều, sau ngày 20-7-1954, dân Hà Nội có 80 ngày di cư, Hải Dương 100 ngày, Hải Phòng là địa điểm tập trung cuối cùng có 300 ngày. Chỉ những người sống ở thánh phố là ra đi dễ dàng, sau 80 ngày miền quê muốn đi Hải Phòng từ Hà Nội phải có giấy thông hành, thường là xin của bà con, họ hàng (ở Hà Nội) về cạo sửa làm giả để qua mắt công an Việt Minh. Những người vùng hậu phương muốn đi cũng chẳng biết cách nào. Mặc dù di cư khó khăn nhiêu khê như vậy mà cũng đã có hơn một triệu người vào Nam , nếu được đi tự do thoải mái thì số người từ bỏ Việt Minh sẽ tăng hơn nhiều

Không riêng gì TT Eisenhower nghĩ Hồ Chí Minh được lòng dân hơn Bảo Đại, Walter Robertson phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Mỹ cũng cho là Bảo Đại theo Tây, bù nhìn bị người dân khinh ghét (8)

Đầu năm 1947, khi quân Pháp tới người dân bỏ nông thôn, thành thị theo Việt Minh vào hậu phương kháng chiến. Theo lời kể của ông Đoàn Thêm (9)

khi chính phủ Bảo Đại về nước chấp chính từ tháng 7-1949 đến đầu năm 1950 thì người dân tại hậu phương Việt Minh hồi cư tấp nập về thành thị, các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây trong tháng 7-1949 mỗi ngày có vài nghìn người, riêng ngày 30-10 tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây số người trở về lên tới 35 ngàn người. Theo Đoàn Thêm, người dân bỏ già Hồ về với cựu hoàng.

Thử hỏi tại sao người dân lại bỏ Hồ Chí Minh về với Bảo Đại trong khi ông vua này thân Tây? Tâm lý chung ai cũng muốn ấm no hạnh phúc, chẳng ai muốn sống trong cảnh đói khổ cơ hàn. Giữa cuộc đời đói cơm rách áo, đóng khố, bữa đói bữa no, khoai sắn do họ Hồ mang lại và cuộc sống tiện nghi, sung túc tại vùng Quốc gia, vùng thuộc Pháp thì người dân chọn sống chỗ nào? ở đây không nói tới chính trị mà chỉ chú ý khía cạnh xã hội, tâm lý, kinh tế của con người. Không ai mê nổi cái chính sách bần cùng hóa nhân dân của họ Hồ và tập đoàn tay sai Trung Cộng.

TT Eisenhower và một số chính khách sử gia Tây phương cho rằng người dân sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh là hoàn toàn vô căn cứ, chẳng lẽ họ không chấp nhận một cuộc sống ấm no để lựa chọn một xã hội mọi rợ, bán khai, ăn khoai, đóng khố, chọn một cuộc sống đói khổ phản văn minh, phản tiến bộ?

Tại sao chính phủ miền Nam từ chối nói chuyện với Hà Nội về tổng tuyển cử? Thủ tướng Diệm biết chắc sẽ không có bầu cử tự do, Hà Nội sẽ đe dọa người dân phải dồn phiếu cho Hồ Chí Minh. Muốn tổ chức bầu cử tự do có quốc tế giám sát phải kêu gọi các nước đồng chủ tịch, kêu gọi Liên Hiệp quốc đứng ra bảo đảm bầu cử nhưng chuyện này rất khó thực hiện

Theo lời kể của Kissinger khi CSBV vi phạm Hiệp định Paris tấn công Phước Long cuối năm 1974, ông ta đã gửi văn thư xin can thiệp đến các nước đã tham dự Hội nghị quốc tế về VN cũng như bốn nước trong Ủy ban quân sự bốn bên (Canada, Hungary, Ba Lan, Nam Dương) (10). Hầu hết không phúc đáp, chỉ có một hai nước trả lời vu vơ, sau khi ký Hiệp định, hội họp xong người ta có khuynh hướng cao chạy xa bay, không muốn liên hệ tới chuyện đã qua.

Kết luận

Miền Nam VN không chấp nhận đề nghị Tổng tuyển cử vì:

-Thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ.

-Chính phủ Quốc gia Việt Nam không ký kết bất cứ văn thư nào của Hiệp định Genève 20-7-1954.

-Hiệp định không đề cập Tổng tuyển cử mà nó chỉ được nói tới ngày hôm sau trong lời Tuyên bố cuối cùng (final declaration) điều 7, một văn kiện không có chữ ký (unsigned document) mà chỉ là nói miệng với nhau (oral statements), thiếu căn bản pháp lý.

-Điều 7 ngắn gọn, mơ hồ, không có chi tiết qui định thực hiện, nó có nghĩa nhiệm ý (option) tùy hai bên thương lượng.
– Cuộc bầu cử tại miền Bắc sẽ không có tự do mà dưới sự chỉ đạo của Việt Minh

Ủy Hội Quốc Tế gồm Ấn Độ, Ba Lan, Gia Nã Đại không muốn đứng ra tổ chức Tổng tuyển cử cho rằng không thể có bầu cử tự do.

Hà Nội tích cực kêu gọi quốc tế thực hiện Tổng tuyển cử nhưng miền Bắc không hội đủ điều kiện để tổ chức như Trường Chinh đã thú nhận với Thứ trưởng ngoại giao Nga năm 1956. Cuối cùng việc vận động chỉ là để tuyên truyền hạ thấp miền nam VN không có thiện chí thống nhất đất nước và để có cớ xâm lược bằng vũ lực.

Dù sao CSVN cũng đã tuyên truyền thành công lừa bịp được dư luận trong và ngoài nước, ngay tại miền Nam nhiều người tin rằng chính phủ Diệm sợ thua nên không dám Tổng tuyển cử.

Giới khuynh tả Tây phương đã lên án Ngô Đình Diệm ngoan cố khao khát quyền thế độc tài, nhưng độc tài Ngô Đình Diệm và độc tài Hồ Chí Minh cái nào ác ôn? Họ khen lấy khen để Hồ Chí Minh là nhà ái quốc xứng đáng được cai trị cả nước VN, họ muốn áp đặt một chế độ mà người dân VN không chấp nhận.

Nói về cái cái gian của Việt Minh năm 1945, 1946, Tướng Navarre Tư lệnh Đông Dương đã ghi nhận:

“Họ rất giao quyệt, khôn khéo nên đã được Mỹ giúp đỡ nhiều mà còn được chính phủ Pháp lâm thời ủng hộ. Để lấy lòng Mỹ, họ vờ đóng vai phong trào quốc gia chống Nhật và Thực dân. Để được lòng chính phủ Pháp mới (1945), họ tỏ ra liên kết nước Việt Nam mới (tức VM) vào nước Pháp mới. Họ lừa những người này, gạt những người khác. Họ giả vờ đóng kịch kháng chiến chống Nhật mà Mỹ chủ trương. Họ vờ cảm tình với tân chính phủ Pháp đồng thời họ ra sức khích động nhân dân chống Pháp” (11)

Hai mươi năm sau Hiệp Định Genève 1954, Hà Nội đã tiến hành Tổng tuyển cử bằng xe tăng đại bác năm 1975, con đường duy nhất mà họ có thể thống nhất đất nước.

Nhưng ở đây chỉ là thống nhất trong nô lệ

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

—————————————–

Chú thích.

(1) Jean Lacouture: End of a War, Indochina 1954, Chương 23 từ trang 301-313.
Fredrik Logevall: Embers of War, The Fall of An Empire And The Making of America’s Vietnam , 2012, trang 605-611
(2) Hiệp định Genève 1954, Wikipedia
(3) Gaiduk, Ilya. Confronting Vietnam. Stanford, CA: Stanford University Press, 2003. Trang 78. (Wikipedia)
(4) Trích tuần báo Việt Nam (Vietnam bulletin) của tòa Đại sứ VN tại Mỹ ngày 16-7-1955 trang 24. (Wikipedia)
(5) Diễn Đàn Việt Thức, Vai Trò CS-Trung Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam, Nhất Thanh lược dịch, Chinese Military Advisory Group-CMAG
(6) Vietnam News Agency, 7 tháng 2 năm 1955 (Wikipedia)
(7) Embers of War, The Fall of An Empire And The Making of America’s Vietnam , trang 610
(8) Embers of war trang 495
(9) Đoàn Thêm: Những Ngày Chưa Quên, quyển thượng trang 138-140, 173-174, 206-210
(10) Years ot Renewal trang 485, 486
(11) Agonie de l’Indochine, trang 13.

Advertisement

4 thoughts on “Chuyện tổng tuyển cử thống nhất hai miền 1956

  1. Thái tử đảng

    thaitu dang

    Hàng loạt cán bộ trẻ con ông cháu cha diện “Thái tử đảng” được cơ cấu vào cấp uỷ. Lịch sử, chưa thấy thời nào đội ngũ “Thái tử đảng” được cài nhét vào đông đến vậy.

    Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi (con trai cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi) hôm nay chính thức ngồi ghế Bí thư Đà Nẵng. Nguyễn Bá Cảnh, 32 tuổi (con trai cố Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh) cũng trúng Ban chấp hành thành uỷ Đà Nẵng.

    Con trai út Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi, cũng vừa được bầu vào Ban chấp hành tỉnh uỷ Bình Định. Con trai trưởng của Thủ tướng làNguyễn Thanh Nghị hiện đương Phó Bí thư Kiên Giang, dự kiến sẽ được bầu làm Bí thư trong một hai ngày tới.

    Trước đó, con trai cựu Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh là Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi cũng được cất nhắc vào ghế Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư, dù tạo nên một làn sóng phản đối đầy tai tiếng nhưng cũng vừa trúng Ban chấp hành tỉnh uỷ.

    Tương tự “cậu ấm” Quảng Nam, con trai cựu Bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc là Huỳnh Thanh Phong, 30 tuổi, cũng đã được cất nhắc vào ghế Giám đốc sở Công thương và vừa trúng Ban chấp hành tỉnh uỷ.

    Tại thành phố Hồ Chí Minh, con trai Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải là Lê Trương Hải Hiếu, 34 tuổi, cũng vừa được bầu vào Ban chấp hành thành uỷ.

    Tại Phú Yên, Đào Bảo Minh, 38 tuổi, con gái cựu Bí thư Đào Tuấn Lộc trúng Ban thường vụ tỉnh uỷ…

    Đấy mới là sơ bộ vài tỉnh thành đợt đầu vừa đại hội xong. Các tỉnh thành, Bộ ngành tiếp theo đại hội sẽ bổ sung tiếp hàng loạt, tôi tin là rất đông những con quan- quan con vào lớp “Thái tử đảng” nhiệm kỳ này.

    Lớp trẻ này, cùng với dàn con ông cháu cha đã được bố trí cơ cấu xong từ nhiệm kỳ trước, tạo nên một đội ngũ “Thái tử đảng” hùng hậu và ken chặt trong hầu khắp các bộ máy từ Ban chấp hành trung ương đảng đến cấp Bộ ngành và Bí thư, Chủ tịch, giám đốc sở ban ngành địa phương.

    –  (Bấm đọc lại bài: Con quan- quan con).

    Bài đọc quan tâm

    Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948
    Đại Hội đồng Liên hợp quốc
    Hiệp định Geneva 1954 – Nguyên nhân và hậu quả
    Hòa đàm Paris – Vietnam và các cường quốc

  2. Vì sao phát triển lại cần nền tảng pháp quyền

    Lê Duy Nam chuyển ngữ, CTV Phía Trước
    James Goldston, Open Society Foundation

    Những quốc gia có nhiều giao tranh thường là những quốc gia thiếu vắng nềng tảng pháp quyền – tức thượng tôn pháp luật – và phần lớn thường ở các quốc gia đang phát triển, thiếu giáo dục và tỉ lệ trẻ em tử vong cao.

    Tại Mexico kể từ năm 2006, mười nghìn người đã bị giết và nhiều người khác bị mất tích khi cuộc chiến nổ ra giữa các băng đảng buôn thuốc phiện và lực lượng an ninh quốc gia. Người dân bị nhấn chìm vào cuộc chiến khốc liệt trong khi chỉ có vài kẻ tội phạm bị đưa ra ánh sáng. Tại quốc gia Euqatorial Guinea, một nơi có GPD cao hơn cả Italy và Hàn Quốc trong đó 60% dân số chỉ tồn tại qua ngày với ít hơn 1 đô la một ngày, vì dầu mỏ ở đây bị rút ruột bởi nạn tham nhũng không kiểm soát được. Xuyên suốt Trung và Đông Âu, trẻ em dân tộc thiểu số Roma vẫn bị phân biệt đối xử chỉ bởi vì màu xa của chúng. (Roma là dân tộc thiểu số sống rải rác khắp châu Âu với khoảng 10 triệu người, một trong những nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất châu Âu),

    Một vấn đề nằm đằng sau tất cả những bi kịch này: sự thất bại của nền tảng pháp puyền.

    Trong những năm gần đây, khái niệm “pháp quyền” đã ngày càng thu hút được mối quan tâm trong cộng đồng học thuật và chính trị. Giờ đây, một cơ hội lớn để hiện thực hoá pháp quyền đang ở phía chân trời rồi: Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hậu thế hệ 2015.

    Vào tháng Chín năm 2000, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập hợp lại và tuyến bố trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ rằng, “thách thức trọng tâm mà chúng ta phải đối mặt hiện nay là để đảm bảo sự toàn cầu hoá trở thành một sức mạnh tích cực cho toàn nhân loại trên toàn thế giới” (khổ 5). Bản tuyên ngôn đã yêu cầu Hội đồng Liên Hiệp Quốc thực hiện một tập hợp các mục tiêu tham vọng cao, có hạn định cụ thể và có thể đo đạc được nhằm thúc đẩy phát triển và giảm đói nghèo. Nhưng bản Tuyên ngôn cũng nhận diện một con số các “mục tiêu quan trọng,” bao gồm hoà bình và an ninh tương lai, bảo vệ môi trường, và “thúc đẩy dân chủ đồng thời củng cố pháp quyền, cũng như sự tôn trọng đối với nhân quyền đã được quốc tế thừa nhận và các quyền tự do căn bản khác”.

    Trong năm 2001, khi bản Tuyên ngôn đang được khái niệm hoá để trở thành một tập các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, thì pháp quyền, nhân quyền, dân chủ và môi trường đã bị bỏ ngoài rìa. Tuy nhiên, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã có một tác động mạnh trong các lĩnh vực của nó. Trong năm 2010, năm năm trước khi hết thời hạn, mục tiêu trọng tâm về việc tiêu diệt đói nghèo cơ cực đã đạt được. Tỉ lệ đi học cho tiểu học đã tăng đáng kể tại nam Á và vành đai sa mạc Sahara tại châu Phi. Những thành tựu khác trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến bệnh sốt rét và HIV cũng đã giảm sút đáng kể đối với tỉ lệ tử vong trẻ em tại vài quốc gia.

    Cùng lúc đó, sự thiếu vắng pháp quyền đã được ghi nhận. Không một quốc gia thu nhập thấp và xung đột vũ trang nào đạt được một – chỉ một chỉ tiêu – trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ở những quốc gia có xung đột vũ trang này, nơi thiếu  vắng pháp quyền, chiếm phần lớn trong các quốc gia nghèo đói, dân trí thấp và tỉ lệ trẻ em tử vong cao trên thế giới. Trong những nền kinh tế phát triển, phần lớn dân số, những người bị từ chối truy cập công lý, phải hứng chịu mức độ phân biệt đối xử cao trong giáo dục cũng như những dịch vụ công cộng khác.

    Cuộc tranh luận về thế hệ tiếp theo của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đang được chuẩn bị. Một ban cấp cao Liên Hiệp Quốc, với sự góp mặt của Thủ tưởng Anh David Cameron, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, sẽ công bố bản tư vấn trước tháng Sáu, và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ báo cáo trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng Chín. Sau đó các chính phủ sẽ quyết định.

    Có nhiều lý do tốt để đưa pháp quyền vào trong bản tư vấn này, bao gồm những đóng góp của nó đối với sự phát triển bền vững, giảm thiểu đói nghèo và an ninh cũng như sức mạnh công dân.

    Và có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện điều này.

    Pháp quyền là “nền tảng quan trọng cho đối thoại chính trị và hợp tác chính trị giữa các chính quyền và đối với sự phát triển tương lai của ba trụ cột mà dựa vào đó Liên Hiệp Quốc được dựng lên, đó là: hoà bình quốc tế và an ninh, nhân quyền, và phát triển.

    Pháp quyền cũng có thể trở thành những mục tiêu cụ thể và có thể đo đạc được, ví dụ như tăng gấp đôi số lượng người dùng có thể tiếp cận được luật sư ở chi phí thấp hoặc không mất tiền, ví dụ như nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ thuốc thang cần thiết đối với một số trường hợp sức khoẻ nhất định, hoặc cung cấp giáo dục cho mọi trẻ em ở mọi lứa tuổi.

    Nhưng lý do quan trọng nhất cần bổ sung pháp quyền vào nền tảng phát triển hậu 2015: đây là điều đúng cần phải làm. Một nền văn hoá tôn trọng pháp quyền sẽ giữ được nền tảng quan trọng đối với sức khoẻ con người.

    Thất bại trong việc đưa pháp quyền vào trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hậu 2015 có thể sẽ gửi đi một bản tin không thể chấp nhận được: điều này sẽ không mang tới đầy đủ vốn chính trị để mang tới thay đổi tích cực. Cho đến khi nào ý tưởng về pháp quyền chưa đạt được sự hưởng ứng trên toàn thế giới thì các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cần phải làm tốt hơn những gì họ đang cố gắng hiện nay.

  3. Hậu quả tai hại của Hội nghị Thành Đô

    BBC

    Dương Danh Dy

    25-10-2015

    H1

    Các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Nguồn ảnh: Internet

    …Hơn 20 năm sau Hội nghị Thành Đô, nay có dịp nhìn lại vấn đề, người ta sẽ thấy “ngộ” ra được một số điều mà ngay từ khi được phổ biến kết quả của Hội nghị, những người quan tâm đến tình hình đất nước lúc đó đã ít nhiều biểu thị sự không đồng tình.

    Bước đầu, xin mạnh dạn công khai một số yếu kém của phía chúng ta, cũng như xin thẳng thắn đề cập tới một vài tác hại của những “quyết đoán” sai lầm khi đó đối với đất nước.

    Nêu ra một số việc, không phải là muốn truy cứu trách nhiệm chính trị, hoặc nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín của một ai mà chỉ nhằm một mục đích: nếu không thấy hết những dại khờ, non yếu của chúng ta, không vạch trần những mưu ma chước quỷ của kẻ mà cho đến tận giờ phút này trong chúng ta vẫn còn có không ít ngưòi lầm tưởng họ là những đồng chí cộng sản, những người đang cùng chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sẽ là một nguy hại to lớn, lâu dài, tiềm ẩn đối với dân tộc.

    Ngoài những nhân nhượng vô nguyên tắc về Campuchia như đã trình bày ở bài trước, phía Việt Nam đã không hề (hay không dám) đề cập tới nguyên nhân tạo ra bất đồng trong quan hệ Việt Trung trong hơn 10 năm qua nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới tháng 2 năm 1979 do Ban lãnh đạo Bắc Kinh cố tình, chủ động gây ra.

    Phía Việt Nam đã hoàn toàn cho qua vấn đề sau khi nghe Giang Trạch Dân nói trong diễn văn: quan hệ hai nước từ nay “hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

    Đó là những điều ngưòi viết bài này thu nhận được sau khi đã hỏi kỹ đồng chí phiên dịch và nói chuyện nghiêm túc nhiều lần với đồng chí Hồng Hà khi đồng chí còn sống tại một số cuộc họp và tại phòng làm việc của đồng chí tại số 2 Nguyễn Cảnh Trân và tại nhà riêng của tôi do đồng chí chủ động tới gặp.

    Không dám hé một lời

    Chúng ta không đòi Trung Quốc phải bồi thường chiến tranh trong khi đã nêu vấn đế Mỹ bồi thường chiến tranh là điều kiện tiên quyết để bình thường hoá quan hệ hai nước nhưng tại sao trong đàm phán bí mật lại không dám nói dù chỉ là một lời với Trung Quốc về cuộc chiến tranh tàn ác đó và buộc họ chí ít phải nói ra câu ‘lấy làm tiếc’ về hành động phi nghĩa của mình?

    Nhượng bộ vô nguyên tắc này của Việt Nam đã làm cho Trung Quốc dường như giành được ‘vị thế chính nghĩa’ trước dư luận quốc tế và nhất là trong đông đảo nhân dân Trung Quốc dù họ mang hơn 60 vạn quân chính quy xâm lược, giết hại nhiều đồng bào ta, tàn phá nhiều cơ sở vật chất của ta tại vùng sáu tỉnh biên giới Việt Nam.

    Làm cho một bộ phận người trên thế giới cho rằng những vu cáo bịa đặt của Trung Quốc: ‘Việt Nam xua đuổi người Hoa’, ‘Việt Nam xâm lược Campuchia’… là đúng, việc thế giới ‘lên án, bao vây cấm vận Việt Nam’ là cần thiết, việc Trung Quốc ‘cho Việt Nam một bài học’ là phải đạo…trong khi chính chúng ta mới là ngườì có công lớn trong việc đánh tan bọn Khơme Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Tóm lại là đã làm cho khá nhiều người trong thời gian khá dài hiểu lầm, ác cảm với Việt Nam.

    Cho tới khi đặt bút viết những dòng này mặc dù đã mất nhiều công sức tìm hiểu, người viết vẫn chưa biết ai là người đề xuất chủ trương cấm không được nói lại chuyện cũ với Trung Quốc, khiến cho trong hơn 20 năm qua, trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam không hề có một tin tức nào động chạm tới Trung Quốc. Ngay cả tên tuổi, nghĩa trang của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh yêu nước thần thánh trên cũng bị cố tình lảng tránh không dám công khai nói tới, thậm chí bị lãng quên.

    Cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 bị quên đi

    Cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 bị quên đi

    Cần phải nói ra đây một sự thực là trong khi đó, báo, mạng chính thống của Trung Quốc vẫn ra sức tung hoành, không hề bị một sự cấm đoán, hạn chế nào, ngày ngày tìm hết cách để bôi xấu, xuyên tạc Việt Nam về mọi mặt, đến nỗi phần lớn người dân Trung Quốc bình thường khi được hỏi về Việt nam cũng thốt lên, Việt Nam là ‘vô ơn bội nghĩa, là kẻ ăn cháo đá bát’…

    Theo tài liệu chính thức của Trung Quốc trong một cuộc điều tra công khai, đã có tới “80% dân mạng Trung Quốc – tức khoảng 300 triệu ngưòi-chủ yếu là thanh niên và người có học – tán thành dùng biện pháp vũ lực với Việt Nam tại Biển Đông.

    Cảm tình, ấn tượng tốt đẹp của đa số nhân dân Trung Quốc về một nước Việt Nam anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động, hữu nghị với Trung Quốc trước đây dường như không còn nữa. Hậu quả tai hại này chưa biết bao giờ mới xoá bỏ được.

    Chấp nhận yêu sách trắng trợn của phía Trung Quốc gạt bỏ mọi chức vụ trong và ngoài đảng đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, rồi lợi dụng mọi cơ hội đế đến Đại hội 8 Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức làm được việc đó khi đồng chí là một trong số rất ít người lãnh đạo có tư duy sáng tạo, am hiểu tình hình quốc tế, có sức khoẻ dồi dào, có uy tín quốc tế, nhất là đối với các nước Phương Tây là một việc làm thể hiện sự yếu kém về bản lĩnh và sự tha hoá về tình nghĩa cộng sản, là một việc làm dại dột “vác đá tự ghè chân mình”…

    Có thể nói mà không sợ quá mức rằng, nếu Nguyễn Cơ Thạch còn trong ban lãnh đạo cấp cao Đảng ta một nhiệm kỳ nữa thì việc bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ và việc Việt Nam gia nhập Asean chắc chắn không phải mãi đến năm 1995 mới thực hiện, chậm hơn việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc tới gần 5 năm.

    Ban lãnh đạo Bắc Kinh các thế hệ, lo sợ ảnh hưởng của Nguyễn Cơ Thạch tới mức, mặc dù ông buộc phải nghỉ hưu và mất đã khá lâu mà hơn hai mươi năm sau ngày bình thưòng hoá quan hệ Việt Trung, tại Đại hội lần thứ XI ĐCSVN tháng 1 năm 2011 họ còn không muốn để con trai ông làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam (lời nguời lãnh đạo đảng ta lúc đó nói, tôi được nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh trực tiếp cho biết)

    Cần nói thêm, việc ngoan ngoãn chấp hành yêu sách gạt bỏ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã tạo điều kiện để từ sau đó, Bắc Kinh can thiệp ngày càng sâu hơn vào công tác cán bộ, nhân sự chủ chốt của đảng và nhà nước ta qua mấy kỳ đại hội Đảng (IX, X, và XI) nhằm có người thân Trung Quốc trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao.

    Quan hệ Việt - Trung đ̣ã trải qua nhiều bước thăng trầm. Ảnh: internet

    Quan hệ Việt – Trung đ̣ã trải qua nhiều bước thăng trầm. Ảnh: internet

    Việc tỏ ý không muốn thấy con trai đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nêu trên chỉ là một ví dụ gần đây nhất.

    Đây là việc chưa từng có trong Đảng ta. Chúng ta đều biết thời Bác Hồ, trong Đảng ta tuy có người này kẻ kia thân Liên Xô, thân Trung Quốc nhưng ngưòi nào cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, thời đồng chí Lê Duấn là người lãnh đạo chủ yếu đã không duy trì được nếp chung sống đó, nhưng bất kể là ai hễ thân Liên Xô, thân Trung Quốc trong đảng đều bị loại trừ.

    Có thể nhận định thế này thế nọ về hiện tượng trên nhưng có một điều có thể khẳng định, thời đó nước ngoài và nhất là Trung Quốc, không thể trực tiếp thò tay can thiệp vào nội bộ Đảng ta nhất là vê công tác nhân sự tổ chức.

    Nhưng từ năm 1991 đến nay, việc Trung Quốc can thiệp vào nội bộ ta đã hầu như đã diễn ra thường xuyên và chưa hề bị lên án. Phải chăng đã xuất hiện ‘Nhóm lợi ích thân Trung Quốc’ trong Đảng ta? Không giải quyết được tình trạng này thì hậu hoạn khôn lường.

    Bài học bị dắt mũi nhớ đời

    Không thể dùng các từ ngữ thông thưòng để đánh giá các hậu quả trên mà phải dùng từ “cái giá phải trả bằng xương máu” mới phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

    Hội nghị Thành Đô đã, đang và sẽ còn mang lại cho đất nước chúng những hậu quả to lớn, cay đắng, nhục nhã…

    Vì vậy một vấn đề cũng quan trọng không kém mà người viết xin mạnh dạn khởi đầu trước: từ những cái giá phải trả đó chúng ta cần rút ra những bài học gì? Cần ghi nhớ những bài học nào?

    1. Những ngưòi lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó hầu như không nắm được những thay đổi, những diễn biến lớn trên trường quốc tế, nhất là về các nước XHCN Đông Âu, tình hình Liên Xô, tình hình Mỹ cũng như tình hình đối thủ trực tiếp của mình lúc đó là Trung Quốc. Từ đó đã có những nhận định rất sai lầm để rồi đưa ra những quyết định rất sai lầm.

    Lãnh đạo Việt Nam đã nhận định sai về vị thế quan hệ Trung - Xô. Ảnh: Reuters

    Lãnh đạo Việt Nam đã nhận định sai về vị thế quan hệ Trung – Xô. Ảnh: Reuters

    Thắng lợi của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan, sự kiện Bức tường Berlin bị nhân dân Đức xoá bỏ, việc Yeltsin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Liên bang Nga, Gorbachev từ bỏ chủ nghĩa xã hội và đảng cộng sản… đã không làm cho một số ngưòi trong ban lãnh đạo chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội đã không còn được nhân dân ở chính ngay những nước đó ưa thích, theo đuổi, sự sụp đổ của họ là lẽ tất nhiên.

    Trong tình hình như thế mà lại chủ trương ‘bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc’, ‘Mỹ và Phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản’.

    “Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng là nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.” (trích Hồi ký Trần Quang Cơ)

    Cần thấy rằng, trước đó Liên Xô là chỗ dựa về nhiều mặt của Việt Nam, tuy vậy phải nói thẳng ra rằng, so với Cuba thì Việt Nam tương đối ít lệ thuộc hơn. Thế nhưng trong khi Cuba phụ thuộc nặng nề vào Liên Xô, lại ở ngay sát nách Mỹ đã không tỏ ra hoảng hốt khi Liên Xô tan rã, và các bạn ấy vẫn hiên ngang đứng vững từ đó đến nay, Mỹ không dám can thiệp… thì Việt Nam đã phải vội vã quay sang tìm đồng minh ngay với kẻ đang là đối thủ nguy hiểm trực tiếp của mình chỉ vì cái đại cục chung chung, chỉ vì sợ mất chỗ dựa, sợ có thể mất chủ nghĩa xã hội, mất Đảng.

    Không thấy hết những khó khăn trong ngoài nước của Trung Quốc lúc đó. Trong nước họ vừa xảy ra sự kiện Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị cách chức Tổng Bí thư, nội bộ lãnh đạo cấp cao bất đồng sâu sắc, một bộ phận nhân dân bất mãn với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Do đàn áp đẫm máu học sinh sinh viên, Trung Quốc bị các nước Phương Tây chủ yếu cấm vận về chính trị, kinh tế, quân sự, có hạng mục như xuất khẩu kỹ thuật cao trong quân sự đến nay vẫn chưa huỷ bỏ.

    Họ ở vào thế không có lợi nhiều mặt khi bình thường hoá quan hệ với ta, nhưng do mấy nhà lãnh đạo chúng ta lúc đó đánh giá không đúng tình hình nên không những không sử dụng được lợi thế của mình, mà còn bị Trung Quốc ‘dắt mũi’ kéo theo, thiệt đơn thiệt kép trong xử lý quan hệ cũ và trong giai đoạn bình thường quan hệ mới, cho tới tận bây giờ và cả trong tương lai nữa.

    Lãnh đạo Đảng năm 1990 đã đánh mất bản lĩnh và trở nên sợ địch

    Lãnh đạo Đảng năm 1990 đã đánh mất bản lĩnh và trở nên sợ địch

    Không thể không đề cập tới một vấn đề nữa là trong hơn 10 năm đối kháng, nhà nước Xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không từ thủ đoạn nào trong đối xử với nước ta, không những thế thái độ của họ trong đối xử với Liên Xô, trong đối xử với nước Ấn Độ láng giềng đồng tác giả với họ trong đề xướng 5 nguyên tăc chung sống hoà bình những năm trước đó.

    Chẳng lẽ Ban lãnh đạo Việt Nam lúc đó lại không thấy chút nào?

    2. Bằng những thoả thuận tại Hội nghị Thành Đô, mấy nhà lãnh đạo chủ yếu của Đảng ta lúc đó đã tự đánh mất bản lĩnh kiên cường, bất khuất, không sợ địch mà nhiều thế hệ lãnh đạo đã nêu cao, để sẵn sàng nhận sai về phần mình trước kẻ thù, tuỳ tiện đổ lỗi cho người tiền nhiệm.

    Người viết bài này không hiểu vì sao, người đại diện cho Đảng ta, một nhân vật có tinh thần sáng tạo lớn với ý chí kiên cường đã tích cực phát triển đường lối cải cách và Đổi mới và chỉ đạo toàn Đảng toàn dân thu được những thành tích to lớn rất quan trọng bước đầu, thế nhưng trước đối thủ Trung Quốc hình như chỉ còn là chiếc bóng, mất hết cảnh giác cách mạng gật đầu tin tưởng và làm theo mọi đề xuất mang đầy chất lừa bịp ‘vì chủ nghĩa xã hội’, ‘vì đại cục’ của Trung Quốc, thậm chí chấp nhận để họ can thiệp vào công việc nhân sự cấp cao của đảng ta.

    Bài học này, cần được phân tích sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, một mặt để thấy rõ sai lầm quá khứ, một mặt để ngăn chặn, phá tan những âm mưu, mánh khoé mới của ngưòi ‘láng giềng bốn tốt’, của ‘những đồng chí’ luôn rêu rao ’16 chữ vàng’ đang không ngừng vận dụng những thành quả cũ vào trong quan hệ với Việt Nam chúng ta hiện nay và trong tương lai.

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy, hiện sống tại Hà Nội. Mời quý vị đọc bài trướcHọp Thành Đô ‘nguyên nhân và diễn biến’

  4. Ông Ngô Đình Nhu: Hiệp thương Nam – Bắc 1963

    Hội Quán Phi Dũng

    zzzzzzzzzaaa

    Hai đoạn trích của bài này sau đây là những điều cần để chúng ta suy ngẫm:
    …..Để nói lên một cách cụ thể về cảnh thanh bình trù phú của miền Nam thời ấy tôi xin trích dẫn chỉ một đoạn vắn thôi của tác giả Hồ Sỹ Khuê.
    …….“Nông thôn không còn bần cố nông. Thành thị cũng không bao giờ còn gọi là vô sản được….“ Đây là một cảnh sống của dân lao động ở thành thị được ông mô tả như sau:


    “Tài xế tắc xi nhưng trưa đến không kể khách, nằm gác chân xem báo. Đạp xích lô nhưng mỗi chìều ngồi nhậu nhẹt lai rai bàn chuỵện thời cuộc với xóm giiềng. Những cảnh sống như thế xóa sạch mọi đẳng cấp thầy thợ trong xã hội, tạo một không khí hòa đồng vươn cao. Con em lao động đã bắt đầu vào đại học, làm giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, sánh vai cùng bạn bè đồng lứa, xuất phát từ đủ mọi thành phần xã hội…..Thực thế, dân Miền Nam thời Cộng Hòa Nhân Vị có một cuộc sống vât chất đầy đủ…. Đầy đủ. Chưa đúng. Thừa thãi.”…….

    ….. Hỏi: Thế còn cuộc sống ở miền Bắc thì sao?

     

    Đáp: Tôi không có số liệu chính thức.Thực ra số liệu chính thức do CS đưa ra nhiều khi cũng chẳng đáng tin. Nhưng cứ đọc mấy truyện của một số nhà văn nhà thơ thì cũng đủ thấy cuộc sống ở miền Bắc, không phải chỉ thua miền Nam, mà là rất bi đát khó có thể tưởng tượng nổi….


    ….. Đặc biết dân quê nghèo đến độ trẻ con đã chín mười tuổi cũng không có quần. Không chỉ có thơ của Nguyễn Chí Thiện tả trẻ con trong tù lon ton không phải mặc quần.


    Mà cả chuyện Cô Gái Thủy Thần của Nguyễn Huy Thiệp cũng tả cảnh một bé gái 12 tuổi cởi truồng cầm đầu một tóan 6,7 đứa trẻ ban đêm cũng trần truồng đi ăn trộm mía của hợp tác xã. Còn con trai mới 14 tuổi đã phải đi cầy. Mà lại còn là thợ cầy chủ lực của hợp tác xã. Tối đến về nhà lại còn phải đi đào đá ong! Trong Ông Tướng về hưu một nhân vật nói mỗi ngày trong nước có cả ngàn người chết khắc khỏai, chỉ ước được chết nhanh như lính. “Lính các anh sướng, đòm một phát. Sướng!“ Chỉ mấy hàng đã đủ đau lòng…..

    Ông Ngô Đình Nhu: Hiệp thương Nam – Bắc 1963
    Đài Tiếng nói VNHN – Phỏng vấn Minh Võ
    Ông Ngô Đình Nhu tiếp xúc với đại diện của nước Pháp và Bắc Việt năm 1962 về vấn đề hiệp thương giữa Nam – Bắc Việt Nam.
    Người hỏi là nhà báo Hồng Phúc Lê Hồng Long, chủ nhiệm báo Thế Giới Ngày Nay. Cuộc phỏng vấn này đã được phát thanh ngày chủ nhật 07/10/2007 trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại.
    Hỏi: Trong cuộc mạn đàm giữa ông và ông Cao Xuân Vỹ đăng trên DCVOnline mới đây, ông Cao Xuân Vỹ có nói đến cuộc tiếp xúc giữa ông Ngô Đình Nhu với ông Pinay, đại diện Tổng Thống Pháp Charles De Gaulle và sau đó với Phạm Hùng, cán bộ cao cấp của Việt Cộng, sau này từng là thủ tướng Bắc Việt. Nhiều độc giả rất quan tâm đến vấn đề chính trị tế nhị này. Theo ông, các cuộc tiếp xúc này ảnh hưởng thế nào đến tình hình chính trị Việt Nam vào thời gian đó?
    Đáp: Theo tôi nghĩ đây là dịp để những người Mỹ không ưa Tổng Thống Diệm và đặc biệt có ác cảm với ông Nhu vin vào chuyện này để tìm cách lật đổ Đệ Nhất Cộng Hòa.
    Trong lần tiếp xúc với ông Cao Xuân Vỹ vừa qua, ông Vỹ có nói một điều không được tôi ghi trong bài đã đăng trên Đàn Chim Việt. Ông Vỹ bảo tôi, khi bàn với ông Nhu về đề nghị của Bắc Việt muốn hai miền hiệp thương, ông Pinay đã nói nửa đùa nửa thật: “Coi chừng người Mỹ họ mà biết chuyện này, họ sẽ đảo chính các ông đấy!” Dĩ nhiên một số người Mỹ trong chính quyền Kennedy đã muốn làm đảo chính từ 3 năm trước cơ. Nhưng lần này họ cũng có thêm ít nhất là một cái cớ hợp lý để giải thích với dư luận.
    Hỏi: Ông có thấy là hai anh em ông Diệm tự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất không? Trước kia, năm 1955, ông Hồ đã nhiều lần đề nghị hai mìền hiệp thương để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956. Lúc ấy các ông đã cực lực từ chối. Thì tại sao bây giờ lại tán thành?
    Đáp: Đúng ra năm 1955 Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã từ chối vì lý do miền Bắc không có tự do, và cũng viện cớ không ký hiệp định Giơ Neo, thì không bị ràng buộc bởi hiệp định đó trong vấn đề tổng tuyển cử. Ông Diệm khi nhận lời cựu hoàng Bảo Đại về chấp chánh năm 1954, ông đã biết mình phải làm gì để cứu ít nhất nửa nước khỏi hoạ Cộng Sản, vì ông đã quá hiểu thế nào là một nền chuyên chính vô sản, và các biện pháp tàn bạo của chế độ ấy. Cho nên không thể nào ông để cho một cuộc tuyển cử không công bằng, không có tự do này đưa nốt miền Nam cho Cộng Sản Quốc Tế. Vì ông cũng biết rõ ông Hồ là tay sai của Quốc Tế CS, chẳng thực tâm yêu nước, mà chỉ lợi dụng lòng yêu nước của nhiều thành phần dân tộc để chiến đấu cho ảo tưởng chế độ đại đồng của Mác.
    Hơn nữa cũng phải nhìn nhận là lúc đầu trong những năm 1954–1955 miền Nam còn nhiều khó khăn chồng chất. Dân số lại ít hơn miền Bắc nhiều, nếu chấp nhận tổng tuyển cử ngay thì khó thắng được. Nhưng đến năm 1963 thì miền Nam đã vượt xa miền Bắc về mọi mặt. Tôi chỉ nêu vài con số.

    zzzzzzzzzmmzz11

    SàiGòn xưa (Nguồn: airsceneuk.org.uk)

    Ví dụ số nước có tòa Đại Sứ ở Saigon lúc ấy là 81, gần gấp đôi số nước có bang giao với Hà Nội. Trong khi dân miền Bắc không đủ gạo ăn thì Saigon xuất cảng gạo, từ 70.000 tấn vào năm 1955 đã tăng lên đến 340,000 tấn xuất cảng vào năm 1962. Số lượng gia súc trong 7 năm đã tăng tới 500 lần. Thịt gia súc như heo, gà, vịt xuất cảng trong năm 1961 đã trị giá gần 140 triệu đồng (vào khỏang 4 triệu Đô la, tính theo giá chính thức là > 35 Đồng một Đôla.). Và còn nhiều ưu điểm khác không kể xiết.
    Để nói lên một cách cụ thể về cảnh thanh bình trù phú của miền Nam thời ấy tôi xin trích dẫn chỉ một đoạn vắn thôi của tác giả Hồ Sỹ Khuê, một người vốn chê ông Diệm là độc tài và kỳ thị tôn giáo, thậm chí đàn áp Phật Giáo. Ông Hồ Sỹ Khuê nói về cảnh thanh bình phồn thịnh ấy như sau. Đây tôi đọc từ cuốn sách đồ sộ của ông nhan đề Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trong đó có nhiều câu đại loại như thế này:
    “Cuộc sống hằng ngày con nhà nông không còn đầu tắt mặt tối quá đáng. Thanh niên miệt vườn dùng quen tay nên biết ham chuộng máy móc. Nhờ giao thông tiện lợi hơn xưa, nên rành cảnh sống phố phường, mà không phải so bì hơn kém. Giáo dục mở mang. Trường ốc mở rộng thêm nhiều. Trẻ em miệt vườn trước không qua bậc tiểu học, nay đi vào trung học là chuyện bình thường. Báo chí sách vở lan tràn khắp nơi, mở rộng tầm hiểu biết phổ thông. Người lớn trẻ con đều thạo tin tức thế giới và chuyện xảy ra hằng ngày trong nước. Không còn mấy ai chìm trong vòng ngu tối nữa…
    “Nông thôn không còn bần cố nông. Thành thị cũng không bao giờ còn gọi là vô sản được….“ Đây là một cảnh sống của dân lao động ở thành thị được ông mô tả như sau:
    “Tài xế tắc xi nhưng trưa đến không kể khách, nằm gác chân xem báo. Đạp xích lô nhưng mỗi chìều ngồi nhậu nhẹt lai rai bàn chuỵện thời cuộc với xóm giiềng. Những cảnh sống như thế xóa sạch mọi đẳng cấp thầy thợ trong xã hội, tạo một không khí hòa đồng vươn cao. Con em lao động đã bắt đầu vào đại học, làm giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, sánh vai cùng bạn bè đồng lứa, xuất phát từ đủ mọi thành phần xã hội…..Thực thế, dân Miền Nam thời Cộng Hòa Nhân Vị có một cuộc sống vât chất đầy đủ…. Đầy đủ. Chưa đúng. Thừa thãi.”
    Ông Khuê còn viết nhiều rất nhiều nữa về cảnh thanh bình phồn thịnh của miền Nam trong cuốn Hồ chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
    Tôi nghĩ, trong cảnh phồn thịnh như thế, nông thôn không còn bần cố nông, thành thị hết vô sản, nếu hiệp thương để tuyển cử tự do miền Nam có nhiều hy vọng sẽ thắng.
    Hỏi: Thế còn cuộc sống ở miền Bắc thì sao?
    Đáp: Tôi không có số liệu chính thức.Thực ra số liệu chính thức do CS đưa ra nhiều khi cũng chẳng đáng tin. Nhưng cứ đọc mấy truyện của một số nhà văn nhà thơ thì cũng đủ thấy cuộc sống ở miền Bắc, không phải chỉ thua miền Nam, mà là rất bi đát khó có thể tưởng tượng nổi. Ví dụ chỉ cần đọc Nỗi Oan của Đào Hiếu, Con Bò Thải và Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì của Phùng Gia Lộc, Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, hay Ông Tướng Về Hưu, và Con Gái Thủy Thần của Nguyễn Huy Thiệp thì sẽ rõ.
    Ngọc, vai chính trong Nỗi Oan mới 12 tuổi đã phải leo xuống giếng sâu thăm thẳm, đường lên trơn trượt để múc nước, gánh nước. Rồi khi lớn lên thấy trong làng “sao mà lắm người tự tử thế? Nhiều người tự thắt cổ. Có người nhảy xuống giếng mà chết. Người sống thì mùa đông chui vào đống lá khô cho đỡ rét…
    Gia đình cậu Chính của Hằng vai chính trong Thiên Đường Mù bữa ăn chỉ có một đĩa rau muống luộc và một đĩa nhộng rang hành chia ra làm 3 ô, mỗi ô chỉ có 15, 16 con bé tí bằng đầu đũa. Thằng anh chọc đũa vào phần của thằng em bị mẹ dở đầu đũa gõ vào đầu thắng anh. Thằng anh khóc ré lên…
    Con bò của hợp tác xã trong Con Bò Thải của Phùng Gia Lộc thì gầy nhom, chả bù cho khi nó chưa vào hợp tác xã thì béo tốt. Cái cảnh cha chung không ai khóc ở các hợp tác xã quá tàn tệ. Nếu thu hoạch có khá đôi chút thì cũng chỉ béo mấy kẻ trong ban quản trị. Xã viên vẫn đói meo.
    Đặc biết dân quê nghèo đến độ trẻ con đã chín mười tuổi cũng không có quần. Không chỉ có thơ của Nguyễn Chí Thiện tả trẻ con trong tù lon ton không phải mặc quần.
    Mà cả chuyện Cô Gái Thủy Thần của Nguyễn Huy Thiệp cũng tả cảnh một bé gái 12 tuổi cởi truồng cầm đầu một tóan 6,7 đứa trẻ ban đêm cũng trần truồng đi ăn trộm mía của hợp tác xã. Còn con trai mới 14 tuổi đã phải đi cầy. Mà lại còn là thợ cầy chủ lực của hợp tác xã. Tối đến về nhà lại còn phải đi đào đá ong! Trong Ông Tướng về hưu một nhân vật nói mỗi ngày trong nước có cả ngàn người chết khắc khỏai, chỉ ước được chết nhanh như lính. “Lính các anh sướng, đòm một phát. Sướng!“ Chỉ mấy hàng đã đủ đau lòng. Có lẽ tin tức tình báo cũng cho ông Diệm biết tình cảnh đó. Nên nếu hiệp thương được, mà có dịp chia bớt phần lúa gạo, vải vóc ở miền Nam cho dân quê miền Bắc, thì đã là một cử chỉ bác ái, từ thiện rồi. Hơn nữa ai cũng biết ông là một nhà ái quốc, rất thương dân.
    Hỏi: Ông có nghĩ rằng khi tính chuyện hiệp thương với Hồ Chí Minh, là ông Nhu đã mắc mưu trúng kế của con cáo già rồi không?
    Đáp: Quả quýt dầy đã có móng tay nhọn. Tôi nghĩ ông Nhu không thể không biết mưu mô của CS. Và ông cũng phải tính toán kỹ lắm trước khi dấn thân vào những cuộc tiếp xúc nguy hiểm như vậy, nhất là vào mật khu của Việt Cộng không có hộ tống vũ trang. Chắc rằng trong các cuộc thương lượng ở Paris năm trước, có các nhà lãnh đạo Pháp Quốc bảo đảm, ông Nhu đã có thể có một sự tin tưởng nào đó, cũng như phải tự tin lắm, mới giấn thân như vậy. Chứ ông Nhu không phải con người xốc nổi, làm liều. Vả lại cũng vì nhiệt tình mong ước tránh được một cuộc xung đột vũ trang rộng lớn, trong đó có thể sẽ có sự tham dự của lực lượng vũ trang đáng kinh sợ của các đại cường.
    Chính ông Đỗ Mậu, tác giả “hữu danh vô thực“ của cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (Văn Nghệ xuất bản tại Nam Cali năm 1993) đã trích đăng một lá thư riêng của một người bạn của ông, trong đó có nói đến những lời cố Tổng Thống Diệm nói với ông Võ Như Nguyện là một đồng chí của Tổng Thống rằng, “Vả tôi với chú Nhu có ý dù hai miền Quốc Cộng tranh chấp, nhưng đều là máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản….“ Trong cuốn Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê tôi đã trích dẫn đầy đủ hơn và đã có lời bình. Ông Đỗ Mậu trích lại bức thư của người bạn này để chứng minh Tổng Thống Diệm có ý định thỏa hiệp với Cộng Sản, bán đứng miền Nam.
    Nhưng tôi lại thấy đây là bằng chứng cho thấy anh em ông Diệm thực sự yêu nước, thương dân, không muốn chíến tranh tiếp tục, mở rộng, gây thêm tang thương, chết chóc.
    Hỏi: Ông có nghĩ rằng, nếu anh em ông Diệm không bị giết, và Hoa Kỳ ủng hộ ông trong việc hiệp thương với Bắc Việt thì Miền Nam sẽ không bị mất vào tay Cộng Sản không?
    Đáp: Rất tiếc rằng lịch sử không có chữ nếu hay chữ giả sử. Hơn nữa để trả lời câu hỏi hóc búa này tôi phải tự đặt mình vào địa vị hai ông mới thỏa đáng và công bình. Nhưng lại cũng tiếc rằng tôi không phải là một chính khách, chỉ viết báo, nghiên cứu và theo rõi thời cuộc với một nhãn quan hạn chế. Có thể nào ông miễn cho tôi khỏi trả lời câu hỏi này không?
    Hỏi: Đã đành là thế. Nhưng ông vừa nói ông từng nghiên cứu và theo rõi thời cuộc, vậy cứ như những gì ông nghiên cứu được, ông cứ thử đưa ra một nhận định và ước đóan tương đối thực tiễn xem sao?
    Đáp: Đã vậy, thì xin ông cũng như qúy thính giả hãy coi như đây chỉ là phỏng định về tình hình có thể đã xảy ra trong dĩ vãng, theo nhãn quan của tôi mà thôi.
    Theo tôi biết thì nhiều người chê ông Diệm quá ngay thẳng dễ bị lừa. Còn ông Nhu thì quá kiêu ngạo lại có ảo tưởng. Nhưng ngược lại cũng có người khen ông Nhu là có nhiều mưu lược và trầm tĩnh. Và nhiều người hơn nữa khen ông Diệm là người có viễn kiến chính trị như một nhà tiên tri, kiến thức về chiến lược sách lược quân sự của ông cũng rất là uyên bác.
    Tôi chỉ xin nêu lên vài danh tánh và sự việc mà hiện tôi còn nhớ. Tôi không nhắc lại lời ca tụng của những danh nhân Mỹ như 3 vị Tổng Thống Mỹ là Dwight Eisenhower, Richard Nixon, Lyndon B. Johnson, Thống Tướng Maxwell Taylor hay đại sứ Frederick Nolting, hay nữ ký giả tên tuổi Marguerite Higgins, hay nhất là học giả, sử gia, nữ Tiến Sĩ Ellen Hammer là những người ai cũng biết là rất ngưỡng mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi chỉ xin trưng dẫn mấy nhà báo Mỹ, Anh, Pháp, Úc đã từng chỉ trích nặng nề ông Diệm là độc tài gia đình trị, và coi ông thua kém ông Hồ. Tôi muốn nói đến những Stanley Karnow, Bernard Fall, Dennis J. Duncanson, Denis Warner. Người Việt thì có ông Hồ Sỹ Khuê đã nêu trên. Tất cả những người trên đều nêu những bằng chứng cho thấy ông Diệm có một viễn kiến chính trị như nhà tiên tri. Bernard Fall đã trưng dẫn một bản tin tình báo của Pháp năm 1948 đã phúc trình rằng ông Diệm lúc ấy đã biết trước Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào Việt Nam, rồi Bernard Fall phê rằng viễn kiến đó rõ ràng là một lời tiên tri mà lúc ấy (1948) chẳng ai để ý. Karnow cũng khen ông Diệm đã tiên tri là phe Quốc Gia sẽ thua … Về phía người Việt, có ông Hồ Sỹ Khuê đã nêu lên ít nhất là 3 trường hợp chứng tỏ ông Diệm nhìn trước thời cuộc như một nhà tiên tri. Riêng nhà báo Úc Denis Warner, trong cuốn The Last Confucian, –gọi ông Diệm là Nhà Nho Cuối Cùng– đã thuật lại trường hợp ông Diệm chỉ cho ông trên bản đồ thấy chiến lược chiến thuật của Việt Cộng ở vùng Việt Bắc hồi 1948-50 ra sao. Ông cũng nhắc lại lời Tổng Thống Diệm nói về chiến lược của Mao Trạch Đông mà ông (Tổng Thống Diệm) cho rằng rất đơn sơ nhưng trên thế giới lại chỉ có hai người hiểu nổi là Che Guevara và Hồ Chí Minh. Phân tích kỹ nhận định này thì thấy ông Diệm phải là một người rất am tường về lịch sử và chiến lược mới có thể có một nhận xét trong một lúc về 3 nhân vật Cộng Sản trong chỉ một câu nói như vậy. Một người không nghiên cứu kỹ về Mao Trạch Đông, về Hồ Chí Minh, về Che Guevara, và phong trào Cộng Sản ở Nam Mỹ, thì không thể nào dám nói lời khẳng định như đinh đóng cột với một nhà báo nổi tiếng của Úc như Denis Warner.
    Hỏi: Tôi cũng nghĩ ông Diệm là một lãnh tụ có tài mới có thể dẹp tan nạn thập nhị sứ quân trong một năm, rồi sau đó, tạo lập được một miền Nam trù phú và tương đối an bình chỉ trong vòng mấy năm. Nhưng nếu thực hiện 6 giai đoạn để hiệp thương theo kế hoạch của Tổng Thống Diệm, như tự do trao đổi thư tín, tự do đi lại thăm viếng giữa hai miền, nhất là tự do chuyển cư từ Bắc vào Nam, thì sẽ chẳng khác gì mở toang cửa cho CS xâm nhập để rồi sau đó nó đánh phá mình thì sao? Trong số 3000 dân mà ông Nhu ước tính sẽ bỏ miền Bắc để di cư vào Nam sinh sống, thế nào chẳng có hàng trăm cán bộ tính báo gián điệp của Cộng Sản.
    Đáp: Trước khi thực hiện 6 giai đoạn hiệp thương tất nhiên đã phải có một thỏa hiệp chấm dứt các hành động vũ trang chống phá lẫn nhau. Từ chỗ có những tiếp xúc giữa ông Nhu với Phạm Hùng sẽ có thể dẫn đến một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tối cao hai miền. Hay ít nhất cũng phải có một văn kiện ký kết giữa các bộ trưởng ngoại giao hai miền trước sự chứng kiến của các quan sát viên quốc tế. Cho nên việc gián điệp xâm nhập dù có cũng chỉ là những hoạt động thông thường không có nguy cơ đưa đến những xung đột vũ trang công khai được. Vả lại nếu miền Bắc có phái điệp viên vào Nam được một cách dễ dàng, thì miền Nam cũng có thể đưa gián điệp vào miền Bắc vậy. Tắt một lời, khi đã thỏa hiệp được với nhau thì chẳng những nguy cơ lan rộng chiến tranh không còn, mà còn có thể ngăn chặn hay giảm thiểu được những hành động quấy phá lẻ tẻ nữa. Dầu sao thì để đi tới đựơc một thỏa hiệp như thế đường đi dĩ nhiên còn dài chứ không thể thành tựu được chỉ qua một lần tiếp xúc giữa ông Nhu và Phạm Hùng. Trong khi đó thì cả hai bên đều phải tính tóan điều hơn lẽ thiệt, tìm hiểu thiện ý của nhau, thông cảm nhau hơn mới có thể thành đạt. Tóm lại đây là một cuộc đấu trí cam go, chứ không dễ dàng.
    Hỏi: Việc hai bên thù địch tính chuyện hòa giải thường phải có trung gian, và khi thưong thuyết cũng cần có người chứng kiến. Ví dụ hiệp định Giơ Ne Vơ trước khi Pháp và Việt Minh ký kết, thì đã có những cuộc thảo luận, bàn cãi, mặc cả kéo dài nhiều tháng. Vậy trong việc ông Nhu tiếp xúc với đại diện của Hà Nội, ngoài các nhà lãnh đạo Pháp quốc ra như Tổng Thống De Gaulle và ông Pinay ra có còn nước nào biết không?
    Đáp: Theo Tiến sĩ Ellen Hammer, tác giả cuốn A Death In November, thì trong buổi tiếp tân ra mắt của tân ngoại trưởng Trương Công Cừu vào cuối tháng 8 năm 1963, ông Nhu đã tiếp xúc với trưởng đoàn Ba Lan trong ủy hội Quốc Tế Kiểm Sóat Đình Chiến (ICC) là luật sư Mieczyslaw Maneli, lúc ấy có sự hiện diện của các đại sứ Ấn Độ, đại sứ Pháp, đại sứ Ý và đại diện Vatican. Đúng ra Maneli đã từ Hà Nội vào Saigon vào mùa xuân, trước đó khá lâu. Nhưng khi một số nhà ngoại giao, trong đó dĩ nhiên có đại sứ Pháp Lalouette, tiếp xúc được với Maneli để khuyên ông ta nên gặp ông Ngô Đình Nhu thì vụ Phật Giáo bùng nổ. Cho nên mãi đến cuối tháng 8 hai người mới có dịp gặp nhau tại buổi tiếp tân. Tiến Sĩ Hammer thuật lại rằng lúc ấy Maneli đang nói chuyện với đức Giám mục Asta, đại diện tòa thánh Vatican, thì thấy ông Ngô Đình Nhu cũng đứng đó không xa, đức Giám mục liền kéo Maneli đến giới thiệu với ông Nhu. Lập tức 3 nhà ngoại giao khác cùng tiến về phía họ. Đó là các ông Lalouette, đại sứ Pháp, D’Orlandi, đại sứ Ý và Goburdhun, đại sứ Ấn Độ, cũng là chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Sóat Đình Chiến. Tưởng cùng cần lưu ý là tân đại sứ Mỹ là ông Henry Cabot Lodge cũng có mặt trong cuộc tiếp tân này và cũng đứng cách đó không xa lắm.
    Tiến Sĩ Hammer thuật lại nhiều điều trao đổi giữa hai người. Nhưng trong đó tôi chỉ chú ý tới việc ông Nhu nhấn mạnh đến mục đích đem lại hòa bình. Và trong lời đối thoại với Maneli, mà nhiều nghe được, ông Nhu thẳng thắn phê bình các chế độ thực dân, còn nhấn mạnh không chỉ phê bình người Tầu mà thôi, khiến nhiều nhà ngoại giao có mặt tự hỏi, không biết có phải ông nhắm gián tiếp đả kích cả Hoa Kỳ hay không. Còn Maneli thì hứa sẵn sàng giữ vai trò tích cực nhất. Sau đó Maneli nhận được giấy mời đến gặp ông Nhu tại dinh Gia Long vào ngày 02/09/1963. Về cuộc gặp gỡ này thì không thấy có tài liệu nào cho biết nội dung ra sao cả.
    Hỏi: Có tài liệu nói Maneli có gặp ông Nhu tại nhà riêng của ông đại sứ Lalouette trong ngày 14/07/1963, tức là ngày Quốc Khánh của Pháp. Ông có tin tức gì về nội dung cuộc gặp gỡ này không?
    Đáp: Tin này do tờ Jeune Afrique (Châu Phi Trẻ) loan. Nhưng chính Maneli đã phủ nhận trong tác phẩm The War Of The Vanquished (Cuộc chiến của những kẻ chiến bại). Hai người gặp nhau lần đầu trong buổi tiếp tân của Ngoại Trường Trương Công Cừu. Và lần thứ hai, cũng là lần chót, vào ngày 2-9-63 tại dinh Gia Long.
    Hỏi: Về phía nhà cầm quyền miền Bắc, phản ứng của họ ra sao, và những đìều kiện họ đưa ra là gì?
    Đáp: Theo bà Hammer, tác giả cuốn A Death In November, thì khi ông Goburghun, đại sứ Ấn đi Hà Nội với tư cách chủ tịch Ủy Ban Kiểm Sóat Đình Chiến, đến gặp ông Hồ Chí Minh thì thấy ông ta chẳng những không thấy có gì ngăn cản cuộc hiệp thương với Saigon, ông ta còn bảo đại sứ Ấn: “Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ta…hãy bắt tay ông ấy thay tôi, nếu gặp.“ Về ông đại sứ Ấn này, thì chính Maneli cũng cho rằng ông ta, cũng như dân Ấn đứng hẳn về phía anh em ông Diệm và sẽ rất buồn nếu “mất lá bài này“. Cho nên Goburghun, cũng như Lalouette, tìm mọi cách để tránh đảo chính. Nhất là ông Lalouette đã nhiều lần cố thuyết phục ông Cagot Lodge, nhưng không thành công.
    Khi Maneli đến Hà Nội trình bày kế hoạch theo sự hướng dẫn của các ông Lalouette và Goburghun, thì chỉ hai ngày sau Hà Nội đã có đáp ứng: Hà Nội sẵn sàng khởi sự thương thuyết bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, bí mật hay công khai. Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy, theo chỉ thị của chủ tịch và thủ tướng sẽ sẵn sàng trình lên một danh sách những hàng hóa có thể trao đổi giữa hai miền. Còn điều kiện, Hà Nội chỉ cần thấy Mỹ rút khỏi miền Nam, thì sẵn sàng bàn thảo về bất cứ vấn đề gì?
    Hỏi: Về nội dung các cuộc thương thuyết, ông có tài liệu nào về tin đồn hồi ấy rằng sẽ có một chính phủ liên hiệp quốc cộng, hay một thứ liên bang Đông Dương không?
    Đáp: Theo tôi, có lẽ tin đồn này phát xuất từ báo cáo của Maneli. Trong cuốn sách nói trên, Maneli có viết rằng ông ta hỏi Phạm Văn Đồng trước mặt ông Hồ về một khả năng có một thứ chính phủ liên bang với miền Nam, hay một thứ chính phủ liên hiệp không, thì Phạm Văn Đồng trả lời là, mọi sự đều có thể thương lượng trên cơ sở nền độc lập và chủ quyền tối thượng của dân tộc. Mấy lời trên, tác giả Maneli đã trích dẫn báo cáo tối mật của ông ta chỉ gửi cho chính phủ CS Balan, và tòa đại sứ Liên Xô ngày 10/07/1963.
    Cũng về tin đồn này còn có một nguồn tin khác liên quan đến câu chuyện giữa tướng Nguyễn Khánh và trưởng nhiệm sở CIA ở Saigon lúc ấy là John Richardson. Họ bàn về một lời tuyên bố nào đó của ông Hồ Chí Minh. Người ta còn đồn rằng trong năm 1963 đã có một hội nghị tại Cam Bốt để bàn về vấn đền Liên Bang này trong hội nghị đó có đại diện của ông Hồ và đại diện của ông Nhu. Nhưng không có chi tiết gì cụ thể về những tin đồn này.
    Hỏi: Ông có tin rằng ông Hồ được hòan toàn tự do để thương lượng mà không bị Liên Xô và Trung Cộng ngăn cản không?
    Đáp: Từ khi Khrutshchev hạ bệ Stalin rồi đưa ra 5 nguyên tắc sống chung, thì áp lực của Liên Xô trên các nước chư hầu có giảm bớt. Hơn nữa Khrutshchev đã từng đề nghị cho cả Việt Nam Cộng Hòa thời ông Diệm vào Liên Hiệp Quốc, thì có lẽ lúc ấy Liên Xô không chống việc hai miền hiệp thương với nhau, để làm giảm bớt sự căng thẳng, chẳng những giữa hai miền mà cả giữa hai khối Đông Tây nữa. Còn Trung Cộng, thì ta đã biết họ vẫn có thiện cảm với chính quyền Ngô Đình Diệm, ngay từ khi vừa thành hình. Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai đã nhiều lần đề nghị lập bang giao giữa Nam Việt và Bắc Kinh. Nhưng dầu sao thì trong vấn đề này xin để Maneli có ý kiến:
    Trong báo cáo tối mật ngày 10-7-1963 Maneli nói hai bên muốn có thể đi tới một thỏa hiệp mà không có sự tham dự của các đại cường. Về phản ứng của Liên Xô, Maneli trích lời của ông đại sứ nói với Maneli răng, có lý do để nghi rằng người Việt họ muốn thu xếp riêng với nhau. Còn về phía Trung Quốc, thì qua cuộc tiếp xúc với sứ quan Trung Cộng ở Hà Nội, Maneli cho rằng Trung Cộng không biết gì về cuộc tiếp xúc giữa Saigon và Hà Nội. Nhưng Maneli lại thêm rằng, hoặc giả họ biết nhưng không chấp nhận. Rồi Maneli phê một câu làm lời kết luận của chương sách dài 20 trang về cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Ngô Đình Nhu: Xét về mặt chính trị mà nói thì việc Hà Nội hành động mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh là điều có ý nghĩa nhất.
    Hỏi: Điều này đối với tôi hơi khó tin. Theo tôi nghĩ, chẳng những Trung Cộng mà cả đàn em của ông Hồ cũng không thể chấp nhận cho ông ta tự ý thương lượng với chính quyền Miền Nam. Không biết ông có tin là ngoài hai bản di chúc ông Hồ để lại, được nhà cầm quyền Hà Nội công bố, còn có một bản di chúc ông ấy viết tay không? Trong bản di chúc này, mà người ta bảo đã đựoc giảo nghiệm tự dạng thì chắc chắn là của ông Hồ thật. Trong bản di chúc này ông Hồ có nói đến việc ông có một cô con gái với một người Pháp và về việc ông tính chuyện thương lượng với ông Ngô Đình Diệm, và vì vậy ông đã bị nhóm Lê Duẫn hiếu chiến hãm hại, từ đó về sau mất hết quyền hành.
    Đáp: Tôi cũng có nghe nói đến bản di chúc viết tay này rồi cũng đi tìm đọc thì thấy không đáng tin lắm. Tôi cũng có hỏi mấy cựu cán bộ cao cấp Cộng Sản ở hải ngoại thì họ cũng nói có biết có một di chúc như vậy, nhưng văn phong không phải của ông Hồ. Theo tôi nghĩ, muốn kiểm chứng xem đây có phải là di chúc thật hay không, nên tìm người con gái của ông Hồ để hỏi cho ra lẽ. Nhưng tôi nghĩ, nếu bà ấy còn sống, nay cũng đã ngoài 90 rồi. Tiếc rằng những người đưa bản di chúc này ra trên báo, đã không trưng dẫn được xuất xứ đáng tin cậy. Vì vậy rất khó tin. Riêng chúng tôi vẫn nghĩ ông Hồ vẫn còn đầy đủ quyền lực vào những năm cuối đời. Trong cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp chúng tôi đã để hẳn một chương để chứng minh điều đó.
    Hỏi: Hiệp thưong từng đã là một cạm bẫy làm cho các đảng phái quốc gia hồi 1945 sa vào mà trở thành thân bại danh liệt, khiến đa số bị hại hay phải chạy trốn sang Tầu. Ông có nghĩ anh em ông Diệm có tài để không mắc bẫy không?
    Đáp: Ông Diệm đã không sa bẫy lúc ấy. Các ông Hùynh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại đều nghe lời dụ dỗ của ông Hồ ra hợp tác. Các đảng phái quốc gia như Việt Quốc, Việt Cách của các ông Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần v.v… đều mắc bẫy tham gia chính phủ liên hiệp và nhận 70 ghế ở quốc hội mà không được bầu. Nhưng như tôi từng viết chỉ có ông Diệm không mắc bẫy. Chính Hồ Chí Minh đã mời ông Diệm giữ chức bộ trưởng Nội Vụ mà bị ông Diệm từ chối thẳng thừng, trong lúc đang ở trong tay sinh sát của ông Hồ. Đó là trước kia, lúc ông ở vào cái thế thập tử nhất sinh, hoàn toàn trong tay ông Hồ, mà ông còn không nhượng bộ để mắc bẫy. Còn bây giờ ông Diệm đã có một nửa nước phồn thịnh và hùng mạnh hơn ông Hồ. Nếu có hiệp thương là hiệp thương ở thế mạnh, thì sao lại phải sợ. Hơn nữa bất cứ một cuộc xung đột vũ trang hay chính trị nào cũng đều phải đi tới một cuộc thương thuyết để chấm dứt xung đột. Đặc biệt là cuộc xung đột giữa ý thức hệ CS một bên, và bên kia là thế giới tự do, cuộc xung đột bao trùm khắp hoàn vũ cũng đã kết thúc bằng một loạt những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và thương thuyết giữa các nhà lãnh đạo hai bên. Thì lúc ấy dù bên nào đi bước trước để mở đường cho một giải pháp chính trị cũng đều đáng hoan nghênh.
    Tuy nhiên cũng phải thú thực rằng có nhiều người coi việc ông Hồ tặng ông Ngô Đình Diệm cành đào dịp xuân Qúy Mão (1963) cũng tương tự như Vương Dõan, trong truyện Tam Quốc, tặng cho Đổng Trác con hát ả đào Điêu Thuyền, khiến Lữ Bố vì ghen mà giết cha nuôi. Họ cho rằng cành đào tượng trưng và mở đầu cho những cuộc tiếp xúc giữa hai miển đã làm cho người Mỹ ra tay hạ ông Diệm. Nhưng riêng tôi không nghĩ thế.
    Hỏi: Nhiều sử gia Mỹ cho rằng ông Nhu tiếp xúc với Bắc Việt là cố ý làm “săng ta“ với Mỹ, khi thấy áp lực của Mỹ quá nặng. Ông có nghĩ như vậy không?
    Đáp: Nếu chỉ nhìn vào những diễn biến trong mấy tháng giữa năm 1963, thì suy đóan như thế cũng có lý. Nhưng thực ra người Mỹ đã muốn thay ông Diệm hay ít nhất cố làm áp lực để đưa ông Nhu ra ngoại quốc từ lâu trước đó. Và hai anh em Tổng Thống Diệm cũng đã có những toan tính về một kế hoạch hòa bình qua những cuộc tiếp xúc ngoại giao được bộc lộ từ năm 1962 trước kia rồi. Người Mỹ muốn hạ ông Diệm, không phải vì ông đàn áp Phật Giáo, cũng không phải vì ông định đi đến một giải pháp với Bắc Việt. Mà theo tôi nghĩ, lý do chính họ muốn hạ ông Diệm vì ông không đồng ý cho họ đem quân ồ ạt vào Việt Nam. Ông Diệm muốn dần dần tiến tới hiệp thương với Bắc Việt chỉ vì muốn tìm kiếm cho nhân dân Việt Nam một nền hòa bình, dù tạm thời và giới hạn chăng nữa, còn hơn là càng ngày càng dấn sâu vào một cuộc chiến mỗi lúc một thêm ác liệt. Nhất là khi mà số người ngoại quốc càng ngày càng gia tăng mãi, như từ 1962.

    nguồn

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s