
Tết Đống Đa
Mồng năm Xứ Nẫu quê tôi
Tưng bừng Hội Tết thoát nô giặc Tàu
Ai người Việt, hãy nhắc nhau
Chống Tàu là giữ đời sau an lành !
Thơ Vivi
Sơ Lược Tết Đống Đa
Quang Trung Hoàng đế sinh năm 1753 mất 1792, hay Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ, sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình là vị Hoàng Đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung là một trong những vị tướng lãnh quân sự xuất chúng và là nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huệ và hai người anh và em, được gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh và Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam; lật đổ hai tập đoàn này cùng Nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và 3 năm trị nước, khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt đẹp thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, Nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Người kế vị là Quang Toản còn quá nhỏ chỉ 9 tuổi, nên không đủ khả năng để lãnh đạo Đại Việt; Triều đình lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn.
- Ngày Hội Tết Đống Đa (Trận Ngọc Hồi – Đống Đa).
Hằng năm vào chiều ngày mồng 4 và ngày mồng 5 tết âm lịch, người dân Bình Định và Du khách cả nước xôn xao lễ hội tết Đống Đa tại đền thờ Quang Trung (Bình Khê – trước 1975) nay là Tây Sơn, để tưởng nhớ Chiến Sử lẫy lừng các thủ lãnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ với kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Trận Ngọc Hồi – Đống Đa là tên gọi do các nhà sử học Việt Nam dành cho những trận đánh chiến thắng chống ngoại xâm của nước Đại Việt thời Tây Sơn do Quang Trung lãnh đạo vào đầu năm Kỷ Dậu 1789; Đánh tan quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, do sự cầu viện của vua Chiêu Thống nhà Hậu Lê.
Trận Ngọc Hồi – Khương Thượng là chiến thắng quân sự thể hiện tài năng của Hoàng Đế Quang Trung nhà Tây Sơn. Dù binh lực chỉ bằng một nửa đối phương, chỉ trong 5 ngày, ông đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm được kinh đô Thăng Long. Chiến thắng này đem lại sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lược, chấm dứt kế hoạch xâm chiếm của nhà Thanh. Đồng thời đánh dấu nhà Tây Sơn chính thức thay thế nhà Hậu Lê cai trị đất Bắc Hà và đập tan quan hệ nô lệ nhà Thanh, đuổi sạch bóng giặc Tàu ra khỏi Đất Nước.
Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của người dân vùng Khương Thượng, do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này đập tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi tiến vào chiếm Thăng Long.
Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã làm bài thơ Loa Sơn điếu cổ có câu:
Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công
Dịch là:
Thánh nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công.
- Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc Tàu xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là “Kình nghê quán”. Nghĩa là gò chôn xác “kình nghê”, là 2 loài cá dữ ngoài biển, đây là cách gọi ám chỉ giặc Tàu xâm lược. Theo truyền thuyết, 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên lấy tên là Đống Đa.
Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố chôn cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị mất trong thời gian Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890.
Chiến thắng Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi. Đống Đa dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã đánh tan 20 vạn quân Thanh, chiếm thành Thăng Long .
Hàng năm vào ngày mồng 5 Tết âm lịch người dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây.
Tại đền Quang Trung ở Quận Bình Khê, tỉnh Bình Định (Trước 1975), nay là Huyện Tây Sơn, Bình Định; Cũng được tổ chức đúng vào chiều mồng 4 và ngày mồng 5 tết mỗi năm. Nhằm tưởng nhớ và tôn kính nôi theo tấm gương đánh đuổi giặc ngoại xâm quân Tàu ra khỏi đất nước, đem lại bình yên hạnh phúc cho Tộc Việt. Điểm chú ý tại đất Bình Khê còn có Lăng Mai Xuân Thưởng chống Pháp và Đền Thờ Bùi Thị Xuân một nữ tướng đô đốc nhà Tây Sơn.
Kết luận bài viết này chỉ sưu tầm sơ lược số ít điểm chính nên còn thiếu nhiều. Chủ yếu là giới thiệu nhắc lại “Ngày mồng 5 Tết Đống Đa” của vị anh hùng Áo Vải Nguyễn Huệ (Nhà Tây Sơn) đã có Công Lớn đánh đuổi GIẶC TÀU ra khỏi Nước. Và diệt sạch bè lũ Lê Chiêu Thống cõng Giặc Tàu về hại dân lành… ./.
Vivi
Norway 05.02/2022
(ST)
Tôi có dịp đến viếng Đền Quang Trung tại nơi khởi nghiệp của triều Tây Sơn. Trong sân đền có một giếng tương truyền có từ thời các vị gia đình Tây Sơn lập bản doanh tại địa phương. Tôi đã nếm nước giếng, trong và mát.