Lời trăng trối của Ngô Đình Nhu [2]

Phần 1

Tác Giả: Phạm Quang Trình

Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng

Trong bản nói chuyện được ghi âm ngày 17-03-1962, ông Ngô Đình Nhu không hề nhắc đến Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông sáng lập và là Tổng Bí Thư, mà chỉ nói đến Lý Thuyết Nhân Vị, phải chăng ông đã bỏ quên Đảng Cần Lao? Theo thiển ý, không hẳn như vậy. Để hiểu rõ, người viết xin lược thuật lại một số sự kiện xảy ra sau ngày 1-11-1963.

Sự thất bại nặng nề của nhóm tướng lãnh sau cuộc đảo chánh 1-11-1963

Năm 1963 có thể nói là cao điểm của Đệ Nhất Cộng Hòa. Lý thuyết Nhân vị đã được đưa vào Hiến Pháp 26-10-1956 và đang được thực hiện qua quốc sách Ấp Chiến Lược với chủ trương Nhân Vị – Cộng Đồng – Đồng Tiến. Tất cả các chương trình của Chính phủ đều được thực thi trên cơ sở ấy. Các bài diễn văn hoặc thông điệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ít nhiều đều đề cập đến chủ thuyết Nhân Vị – một chủ thuyết đấu tranh nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền tự do của con người. Nhưng cuộc đảo chánh 1-11-1963 đã xẩy ra thì việc thực thi chủ thuyết Nhân Vị bị chấm dứt. Từ đây, đám phản tướng và lũ côn đồ đội lốt Tôn giáo đã cố tình vẽ lại hình ảnh Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng như một thứ công cụ ác ôn của chế độ và quên đi biết bao công trình mà Đảng viên Cần Lao đã đóng góp xây dựng cho nền Cộng Hòa Việt Nam. Bọn này ra sức truy lùng các Đảng viên Cần Lao để bắt giữ, tống tiền, đồng thời phá hủy công trình chống Cộng do Quốc Sách Ấp Chiến Lược mang lại đang trên đà thắng lợi. Nhưng thật ô nhục cho chúng, khi cái gọi là cuộc “Cách Mạng 1-11-1963” chưa được đầy 3 tháng thì tình hình Việt Nam trở nên tồi tệ chưa từng thấy nên CIA đã phải xóa bài làm lại qua cái gọi là cuộc Chỉnh Lý của Nguyễn Khánh ngày 30-01-1964 chấm dứt vai trò lãnh đạo của nhóm này.

Thật vậy, khi nắm được chính quyền rồi, đám phản tướng từ Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính đến Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân không biết làm gì cả. Hội Đồng Nhân Sĩ với trên sáu chục nhân vật, bao gồm cả mấy ông trong nhóm Caravelle trước đây ồn ào thì nay có cơ hội vẫn chỉ họp bàn mà không đưa ra được giải pháp. Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ bị dư luận gọi đích danh là “Chính phủ rùa” vì chậm chạp và bất lực! Nói tóm lại, thành phần mới này chỉ có tài phá hoại mà không có khả năng xây dựng.  Những sự kiện sau đây đã cho thấy tài phá hoại ác ôn của họ:

– Giết hại cách dã man Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số chiến sĩ (Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Đại Tá Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu…).

– Truy lùng các nhân vật và những Đảng Viên Cần Lao liên hệ đến chế độ để bắt giữ và tống tiền. Điển hình nhất là trường hợp ông Huỳnh Văn Lang, nguyên Giám Đốc Viện Hối Đoái bị nghi ngờ là giữ tiền cho Đảng Cần Lao.

– Nhận tiền để thả tù Việt Cộng gồm những thành phần gián điệp mà Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đã bắt giữ, trong đó có những tên nguy hiểm như Trần Quốc Hương tức Mười Hương và Đại tá Lê Câu. Nổi tiếng tham nhũng để thả tù Việt Cộng chính là Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân và Đỗ Mậu. Sau đó, Hà Thúc Ký khi làm Bộ Trưởng Nội Vụ thời Nguyễn Khánh đã thả hết tù đang bị giam tại Tổng Nha Cảnh Sát kể cả những kẻ bị tình nghi là Cộng Sản (Hà Thúc Ký: Sống Còn Với Dân Tộc, trang 242).

– Dương Văn Minh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng tuyên bố công khai hủy bỏ Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Nội trong ngày 2-11-1963 có tới 800 Ấp Chiến Lược bị phá huỷ. Sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh thì con số Ấp Chiến Lược bị phá hủy đã tăng lên trên 3000 trong tổng số 8000 ấp. Sự phá hủy với con số lớn lao đó đã làm cho hệ thống an ninh nông thôn trở nên nguy ngập và là kẽ hở cho Việt Cộng xâm nhập. Thật chưa có cái hại nào như cái hại này!

Lúc đó, hàng ngũ Cán bộ Quốc gia không ai còn đủ niềm tin và can đảm dấn thân chống Cộng tích cực vì sợ bị chụp cho cái mũ “Cần Lao ác ôn”. Suốt hai năm từ 1963 đến 1965, đảo chính xảy ra liên miên như cơm bữa. Các nhân vật lãnh đạo và đám phản tướng rớt như sung rụng. Cán bộ hạ tầng không biết nghe ai mà hành động. Kết quả chỉ làm lợi cho Việt Cộng. Phải đợi đến nhóm tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện với hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ thời tình hình mới được vãn hồi. Trong lịch sử chưa có ông tướng nào tham, hèn, ngu như Dương Văn Minh:

     Đất nước yên vui, cam phận chó săn làm đảo chánh (1-11-1963)

          Non sông nghiêng ngửa, hoá thân ngựa chiến lại đầu hàng (30-04-1975)

Nhóm phản tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính,  Đỗ Mậu… đều bị mất chức. Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính sau đó ra ứng cử vô Thượng Nghị Viện năm 1967 chỉ được một nhiệm kỳ. Năm 1970, có cuộc rút thăm một nửa phải được bầu lại. Trần Văn Đôn bị loại, liền chạy theo Thích Trí Quang, ra Quảng Ngãi ứng cử Dân Biểu Pháp nhiệm 2 (1971-1975). Đắc cử vào Hạ Nghị Viên rồi, Trần Văn Đôn liền trở mặt chạy theo phe thân chính được bố thí cho chức Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng, quay lại đá cho Thích Trí Quang một vố đau điếng. Riêng Nguyễn Khánh khi lên cầm quyền đã không ngần ngại ra lệnh cho “Tòa Án Cách Mạng” lên án tử hình ông Ngô Đình Cẩn theo chỉ thị của Thích Trí Quang và Cabot Lodge.

        Nhóm dân sự ra sao?

Trước hết phải kể đến nhóm Caravelle gồm 18 nhân vật đã gửi Tuyên Ngôn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 26-04-1960. Nhóm có tên là Nhóm Tự Do Tiến Bộ nhưng vì hội họp ở khách sạn Caravelle Sài Gòn nên được dư luận đặt cho cái tên là Nhóm Caravelle. Bản Tuyên Ngôn của nhóm dài ba trang đề cập đến tình hình chung về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế xã hội của Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Qua nội dung, ai cũng có thể nhận ra tuyên ngôn được viết rất là phiến diện, hàm hồ, không có dẫn chứng cụ thể. Chính ông Ngô Đình Nhu đã mời cả 18 nhân vật vào Dinh Gia Long họp bàn để lấy ý kiến. Ông Nhu yêu cầu nhóm Caravelle viết cụ thể chương trình và đề nghị cải tổ những gì, nhưng các ông về rồi chẳng làm gì cả. Kinh nghiệm cho biết các ông chỉ muốn kiếm ghế. Thực tế, sau ngày 1-11-1963, các ông Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát, Trần Văn Văn, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Lưu Viên, vân vân đã có cơ hội tham chính mà chẳng làm nên trò trống gì. Ông Phan Khắc Sửu được đề cử làm Quốc Trưởng, ông Phan Huy Quát và ông Trần Văn Hương đều được mời ra làm Thủ Tướng, ông Trần Văn Đỗ làm Tổng Trưởng Ngoại Giao, hai ông Nguyễn Lưu Viên và Trần Văn Tuyên làm Phó Thủ Tướng, vân vân. Ông nào cũng chỉ ngồi được vài ba tháng là phải từ chức vì bất lực, ngoại trừ BS. Nguyễn Lưu Viên được dư luận chính giới cho cái tên là “Viên tròn”, thời nào cũng uốn mình theo để kiếm ghế suốt từ Chính phủ này đến Chính phủ khác.

Động lực nào đã thúc đẩy nhóm Caravelle đưa Tuyên Ngôn? Thưa chính Tòa Đại Sứ Mỹ đã móc nối, xúi giục nhóm Caravelle viết bản kiến nghị gọi là để xin cải tổ mà thực chất là chống đối, đòi chia quyền, chia ghế theo. Tài liệu dẫn chứng (bài viết của Lê Bình (trang 137, 138, 139…) trong Đặc San 2012 của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại với chủ đề “Khí phách nhà lãnh đạo quốc gia” thì hai điều rõ ràng nhất về sự liên lạc giữa Tòa Đại Sứ Mỹ với nhóm Caravelle là: Một (01) Trần Văn Văn đã tiếp xúc với Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 16-03- 1960. (02) Nội dung của Bản Tuyên Ngôn công bố hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Tòa Đại Sứ Mỹ.

Những đòi hỏi này trong hoàn cảnh chiến tranh chống Cộng Sản vào thời đó khó mà chấp nhận được. Vì sao?

Duncanson, một nhà bình luận người Anh cũng đã phải viết: “Nếu bản kiến nghị này được đưa ra trong điều kiện chính trị ổn định của một Miền Nam không bị CS Hà Nội đe dọa tiêu diệt, thì đó là một yêu sách đáng cứu xét nghiêm chỉnh. Điều đáng tiếc nhất là khi Cộng quân đã tấn công đến cấp trung đoàn và các vụ sát hại các viên chức chính phủ hầu như xảy ra hằng ngày, thì đó là một yêu sách nếu không muốn bảo là ngớ ngẩn, thì ít ra cũng bắt nguồn từ sự thiếu khôn ngoan”. (Bài viết trích lại của TS. Phạm Văn Lưu, Hiến Pháp 26.10.1956 và Thực Tại Chính Trị Miền Nam trong Đặc San 2006 của Hội Ái Hữu NVQG Hải Ngoại).

       Cần nói rõ hơn về các nhân vật nổi cộm này:

– Trước hết là ông Phan Khắc Sửu được đề cử làm Quốc Trưởng VNCH 26-10-1964 do Thượng Hội Đồng Quốc Gia bầu ra. Ở cương vị lãnh đạo, đây là cơ hội ngàn năm một thuở, ông Phan Khắc Sửu nếu có thực tài đã làm nên đại sự. Thực tế, ông hoàn toàn bất lực vì đã không ổn định được tình hình, nhất là sau khi có chuyện bất đồng với Thủ Tướng Phan Huy Quát kết quả là 2 ông đều phải từ chức.

– Ông Trần Văn Hương cũng được mời làm Thủ Tướng sau cuộc Chỉnh Lý 30-01-1964 khi Nguyễn Khánh dẹp bỏ Nội Các Nguyễn Ngọc Thơ 25-02-1964. Mới đầu, ai cũng nghĩ ông là “Ông già gân”; vậy mà đám côn đồ đội lốt tôn giáo biểu tình ồn ào chống đối, ông không đủ khả năng đối phó nên buộc phải từ chức.

– Luật sư Trần Văn Tuyên là người được tiếng là khôn ngoan đứng đắn, từng làm Phó Thủ Tướng trong Chính phủ Phan Huy Quát. Ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng chưa đầy 3 tháng thì Nội Các sụp đổ nên ông Trần Văn Tuyên cũng đi theo. Năm 1971, ông Trần Văn Tuyên ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện, làm Trưởng Khối Dân Tộc Xã Hội mệnh danh là Khối Đối Lập, nhưng thực chất nhóm này chứa chấp cả những tên Dân Biểu thân Cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Ngô Công Đức mà ông không hay biết (!?).

Sau 30/04-1975, ông Trần Văn Tuyên bị Việt Cộng bắt đi cải tạo và chết thảm trong ngục tù ở ngoài Miền Bắc. Hồ Ngọc Nhuận trong hồi ký “ĐỜI”, chương VI “Tù Cũ, Tù Mới”, trang 6 có nói đến LS Trần Văn Tuyên: “Hôm gặp nhau khi đi trình diện với Quân Quản ở trụ sở Hạ Viện, anh Tuyên còn lạc quan nói với tôi: “Chế độ mới không có luật sư, nhưng tôi hy vọng sẽ được làm bào chữa viên nhân dân” … Pháp đình chế độ mới có “bào chữa viên nhân dân” thiệt, nhưng không có anh, cũng không có hàng ngũ luật sư, cũng không có “nhân dân”. Chỉ có cán bộ không hà.” Bởi đó, có người đưa ra nhận xét: “Không ai khôn ngoan mà lại ngây thơ như ông Trần Văn Tuyên!”

– BS. Nguyễn Tiến Hỷ, thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, được TT Nguyễn Văn Thiệu mời làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Nội Vận năm 1971. Người viết có lần đến thăm ông ở Văn Phòng để trình bày về việc xây dựng và củng cố hàng ngũ Cán Bộ Quốc Gia. Ông tiếp chuyện cởi mở, vui vẻ, nhưng khi đề cập đến công tác nội vận thì ông quay ra đả kích dữ dội TT Nguyễn Văn Thiệu khiến người viết hết sức ngạc nhiên! Chỉ mấy tháng sau, ông từ chức.

– Sau cùng phải nói đến nhân vật được tiếng to mồm và ồn ào nhất là BS Phan Quang Đán. BS Đán từng tham chính thời Bảo Đại. Qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Phan Quang Đán không được trọng dụng nên chủ trương viết báo và lập Đảng đối lập. Vì dính líu đến vụ phản loạn của phe nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Chánh Thi trong biến cố 11-11-1960, lên Đài Phát Thanh đả kích chính phủ, bị bắt nhốt ngoài Côn đảo. Sau 1-11-1963, Phan Quang Đán ứng cử và đắc cử Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến tháng 9-1966. Tiếp theo làm ứng cử viên Phó Tổng Thống trong Liên Danh Phan Khắc Sửu nhưng thất bại. Sau cùng nhờ Mỹ áp lực TT Nguyễn Văn Thiệu ban cho chức Quốc Vụ Khanh đặc trách  Khẩn Hoang Lập Ấp. Nhiều người cho rằng Phan Quang Đán là một trong những Bộ Trưởng dở nhất thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thật ra chẳng riêng gì Phan Quang Đán, mà hầu hết những nhân vật mệnh danh là chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm đều thuộc loại hám danh mà làm việc dở. Họ muốn làm đại quan mà không có khả năng làm đại sự. Họ chỉ muốn chia ghế để có địa vị và quyền lợi. Nhưng với TT Ngô Đình Diệm thì khác. Ông không chấp nhận chuyện chia ghế. Ông nào có khả năng thì chính phủ mời cộng tác. Điển hình như các nhân vật thuộc nhóm Caravelle, nhiều người đã được TT Ngô Đình Diệm mời tham chính ngay từ năm 1954 như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương nhưng họ có làm nên trò trống gì cả. Làm thì dở, thấy nguy thì bỏ chạy. Cho nên sau biến cố 1-11-1963, khi có cơ hội tham chánh, và kết quả cho thấy, tư cách và khả năng của họ chỉ là con số không.

Trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Có một nhân vật đã gây nhiều thắc mắc là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trưởng nhóm Tự Lực Văn Đoàn, người từng đảm nhiệm vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh 1946, nhưng chỉ được ba tháng vì bất đồng chính kiến thì xin từ chức. Thời Quốc Gia Việt Nam (Quốc Trưởng Bảo Đại) và thời Đệ Nhất Cộng Hòa (TT Ngô Đình Diệm), ông Nguyễn Tường Tam hoạt động văn hóa, cho tái bản các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay. Cũng dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và của Nhất Linh đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đưa vào chương trình Trung Học. Tưởng chưa có một vinh dự nào lớn lao đối với một nhà văn như Nhất Linh khi còn sinh thời và Tự Lực Văn Đoàn đã được chính quyền xử sự như thế. Điều đó chứng tỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và riêng cá nhân TT Ngô Đình Diệm rất nể trọng Tự Lực Văn Đoàn và cá nhân nhà văn Nhất Linh. Thật sự thì không ai có thể phủ nhận công trình văn học của Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh. Cho nên, việc chính phủ Ngô Đình Diệm đưa các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn vào chương trình Trung Học là đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Nhưng không hiểu tại sao Nhất Linh lại bị tố cáo có dính líu vào cuộc Binh Biến ngày 11-11-1960 của bè nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Chánh Thi để đưa ông đến chỗ uống thuốc độc tự tử ngày 7-7-1963 qua cái gọi là bản di chúc chính trị nguyên văn như sau:

     “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để cảnh cáo những người chà đạp  mọi thứ tự do.” Nhất Linh Nguyễn Tường Tam  7-7-63

Vì dính vào vụ 11-11 nên ông bị Toà Án Quân Sự Đặc Biệt gửi trát tòa gọi ra lấy khẩu cung. Qua khẩu cung thì ông chối không hoạt động chính trị và cũng không dính líu gì đến vụ phản loạn nói trên. Qua tài liệu -Trong Bóng Tối Lịch Sử- xuất bản năm 2008- của Cựu Luật sư Lê Nguyên Phu nguyên Đại Tá Ủy Viên Chính Phủ trong Toà Án Quân Sự Đặc Biệt từ trang 188-191, nhân vật Nhất Linh được ghi lại nguyên văn như sau:

     “Nhóm Hoàng Cơ Thụy là nhóm dân sự duy nhất biết trước vụ Binh Biến. Còn những người khác như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Tường Tam cùng đám thuộc hạ em út gồm Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v… đều là những người lúc nghe tiếng súng nổ mới chạy đến hiện trường, hoan hô đả đảo cho rậm đám. Đây là những người không được mời ăn cỗ, nhưng nghe có đình đám chạy đến để ăn có. Nhóm Caravelle không dự vào vụ Binh Biến này, không có mặt tại chỗ, và không hề bị truy tố ra Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt trong vụ này, thế mà sau, tên cầm cờ chạy hiệu Trần Tương viết sách khoa trương láo khoét đã lôi họ vào nội vụ để có chút thơm lây.

     Trong số những thực khách không mời mà đến ăn có, tôi chỉ nhắc đến hai trường hợp của Phan Quang Đán và Nguyễn Tường Tam.

    Trước tiên là trường hợp Phan Quang Đán, Nguyễn Chánh Thi cảm thấy lẻ loi trong nhóm Vương Văn Đông, nên khi thấy Phan Quang Đán xuất hiện trước Dinh Độc Lập, vội vàng kéo Phan Quang Đán về phe y, cho làm phát ngôn của Thi để cân bằng thế lực với nhóm Vương Văn Đông có Hoàng Cơ Thụy trợ thủ. Phan Quang Đán lên Đài Phát Thanh chửi rủa nhục mạ chính quyền một cách thô lỗ, nhưng lúc bị bắt ra tòa thì mềm nhũn như con chi chi, thái độ ươn hèn khiếp nhược.

     Còn trường hợp của Nguyễn Tường Tam lại khác hẳn. Nguyễn Tường Tam có tư cách hơn. Sở dĩ tôi nhắc đến Nguyễn Tường Tam là muốn nói rõ cho hậu thế biết cái chết của ông và nguyên nhân đã đưa ông đến cái chết ấy.

     Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh sát, Nha An Ninh Quân Đội và thẩm vấn sau cùng tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt, đã được Đại Tá Lê Văn Khoa ủy viên chính phủ phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào. Trong biên bản do chính Đại Tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì về nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Nhưng sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông (Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v…) tự động làm ra ông ngăn không nổi. Ông thỉnh cầu Đại Tá Lê Văn Khoa đừng đem đối chất với nhóm thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này được ghi rõ ở cuối biên bản thẩm vấn. Đại Tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị Đại Tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư ra cho bà vợ  mới chắp nối là bà Nguyễn Thị Vinh chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh tụ v.v… Lá thư được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình Tòa Đặc Biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Lúc bấy giờ hồ sơ đã được Đại tá Lê Văn Khoa kết thúc và đã có án lệnh ra tòa từ lâu, trước khi tôi đến thay thế Đại Tá Lê Văn Khoa. Tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý. Tôi không muốn vì lá thư này mà gia đình các bị can bên ngoài phải trách cứ lẫn nhau, gây thêm sự xáo trộn trong cuộc sống. Nguyễn Tường Tam vẫn được sống tự do tại gia đình.

Vụ án đã có án lệnh đưa ra tòa, nên tôi quyết định không để kéo dài thêm nữa và cho đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 5-7-1963. Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu lại 3 ngày trước phiên tòa xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không ra trát đòi) đến gặp tôi tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt. Nguyễn Tường Tam đến không sai hẹn, và được tôi tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi đã đối diện trò chuyện suốt ba giờ đồng hồ, nghĩa là trọn suốt buổi sáng, tại phòng khách riêng của tôi, không có người thứ ba tham dự, và đề tài đàm thoại, khởi đầu bằng chuyện văn chương, thế tình. Tôi đề cập trước tiên, từ những tác phẩm nổi danh của ông trong Tự Lực Văn Đoàn đến tờ Phong Hóa, Ngày Nay do ông chủ trương trước năm 1945 tại Hà Nội và đồng thời cho ông biết tôi rất hâm mộ tài hoa và sự nghiệp văn chương của ông. Mục đích của tôi là để ông yên tâm. Sau cùng tôi mới nói qua về lý do mời ông đến văn phòng tôi. Tôi cho ông biết vụ Binh Biến 11-11-1960 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Đối với ông, tôi không cho tống dạt trát đòi hầu tòa, cũng như không câu lưu thân thể (theo tiếng Pháp là prise de corps) trước ngày xử án. Tôi hứa sẽ tận tình giúp đỡ ông để sau phiên xử ông vẫn được thong thả và tự do trở về nhà. Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Trước sự cởi mở của tôi, ông trầm  ngâm giây lát, tỏ ý cảm kích, và sau cùng hỏi tôi: “Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi.”

     Tôi hiểu rõ ý muốn của ông, và lần này tôi cũng trầm ngâm như ông trước khi trả lời: “Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đã được đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết định tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối. Vì vậy mà tôi không thể hứa chắc về điểm này. Tôi phải tôn trọng ông chánh thẩm trước tòa”.

     Câu nói của tôi là một câu nói thành thật chí tình.

      Nhưng nghe xong Nguyễn Tường Tam trở nên ray rứt, băn khoăn vô hạn. Ông cúi đầu suy nghĩ. Và trong câu chuyện tiếp theo, ông luôn luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông. Đó là lý do vì sao câu chuyện đàm thoại giữa chúng tôi đã kéo dài ba giờ đồng hồ, suốt một buổi sáng. Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó. Lúc được tin ông đã qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước Tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại. Trước Tòa, nếu ông tiếp tục giữ lập trường không liên quan vào nội vụ, trong khi bọn đàn em của ông lại nhất quyết cho ông là người cầm đầu, thì cái danh vị lãnh tụ của ông sẽ tiêu tan, và nhân phẩm của ông cũng bị tổn hại rất nhiều. Cho nên chỉ còn một lối thoát duy nhất là để tránh sự đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử.

     Chết là hết! Chết là vạn sự hư không! Nếu cái chết của Nguyễn Tường Tam đến đây chấm dứt, thì có thể nói đó là  một cái chết rất đẹp đẽ, đáng tôn vinh như một điểm son rực rỡ trong cuộc đời chính trị của ông!

     Nhưng tiếc thay, điểm son rực rỡ ấy đã bị ông xóa nhòa, bôi đen bằng một mảnh giấy nhỏ được ông để lại khi lâm chung. Trên mảnh giấy ấy ông cho biết ông tự tử vì không muốn bị xét xử trước tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Những dòng chữ này không biết có đánh lạc hướng được lý do tự tử của ông hay không, nhưng chắc chắn đã hạ thấp phẩm giá của ông rất nhiều. Cho đến giờ phút lâm chung ông vẫn còn chưa đạt, vì chưa bỏ được tham vọng lợi danh của mình, chưa giác ngộ  được hành vi tốt hay xấu của mình đối với anh em đồng chí, mà vẫn còn huynh hoang tiếp tục dối trá người đời.  Ông nói không muốn để tòa án chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông, nhưng thực sự khi ông ra khai cung tại Phòng Dự Thẩm Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt thì ông đã bị tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử rồi, vì trong cơ chế pháp lý, Dự thẩm được xem như là một cấp xử án riêng biệt (une jurisdiction à part), có quyền định tội danh của can phạm, cải tội danh, ra án lệnh miễn tố hay truy tố ra tòa khi tội danh đã được xác định.

     Vụ tự tử của Nguyễn Tường Tam về sau có nhiều người khai thác, dựa vào đó để làm nấc thang danh vọng, kể cả những người từng oán hận ông như Trương Bảo Sơn. Sau vụ đảo chánh 1-11-1963, họ được trả tự do, vội vàng tổ chức lễ truy điệu Nguyễn Tường Tam rất trong thể tại Vườn Tao Đàn, để rồi sau đó mỗi người được chính quyền quân phiệt tưởng thưởng một số tiền lớn có thể mua nhà cửa, phố xá, mở tiệm buôn, tiệm thuốc tây v.v… Có người còn được gia nhập chính quyền, học ăn học nói ở Thượng Hạ Nghị Viện. Tôi muốn hỏi những đàn em của Nguyễn Tường Tam họ có bao giờ nghĩ rằng Nguyễn Tường Tam chết cũng vì những lời bài xích xa gần của họ.”

Qua những dòng trên đây cho thấy Nhất Linh thật sự có tham dự vào âm mưu đảo chánh 11-11-1963 nhằm lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính con út ông là Nguyễn Tường Thiết trong hồi ký Nhất Linh Cha Tôi do Văn Mới xuất bản năm 2006 trang 29-30 đã xác nhận điều đó: “Thế rồi ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim Nôm, dòng Đa Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ mà ông Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là “một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt”. Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông mà tôi được biết. Nhất Linh “xuống núi” lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời kỳ cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn”.

Đã tham gia đảo chính nhưng tại sao Nhất Linh lại phủ nhận tất cả hành động của mình trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt? Tại sao sau vụ đảo chánh, Nhất Linh lại chạy vào Tòa Đại Sứ Trung Hoa Quốc Gia để trốn tránh? Đọc đoạn viết của LS Lê Nguyên Phu trên đây cũng như đọc mục “Niềm Vui Chết Yểu” từ trang 31-51 trong Nhất Linh Cha Tôi của Nguyễn Tường Thiết cho thấy tâm trạng lo âu sợ sệt của Nguyễn Tường Tam. Tại sao lại sợ và tại sao phải chọn cái chết? Mỗi người có thể suy luận theo nhận định riêng của mình.

Ông Nguyễn Văn Lục trong cuốn “Một Thời Để Nhớ” do Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản năm 2011 nơi các trang 187-188 cho rằng Nhất Linh chọn cái chết vì bệnh tâm thần. Xin trích một đoạn sách của ông Nguyễn Văn Lục: “Trong số những nhân vật bị bắt, có nhân vật quan trọng như một thứ biểu tượng thống lãnh và uy tín hàng đầu. Đó là ông Nhất Linh. Trước đây không lâu, tôi có viết một bài nhan đề “Trường hợp Nhất Linh, một cái chết định trước”. Trong đó tôi cho rằng Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, bị ám ảnh thường trực ý muốn tự tử. Và cơ hội đã đến trong dịp bị gọi ra tòa về vụ đảo chánh hụt 11-11-1960. Có rất nhiều ý kiến phản bác. Nay cơ hội cho tôi có dịp khẳng định lại một lần nữa để nhận ra suy diễn của tôi không phải là vô bằng cớ mà có căn cơ đứng đắn, có cơ sở lý luận và có chứng liệu thực tiễn.” Ông Nguyễn Văn Lục còn nêu ra những nhận xét của những người thân thiết với nhà văn Nhất Linh như Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, Thế Uyên đều xác nhận Nhất Linh mắc bệnh tâm thần hay suy nhược thần kinh. Bài viết và tác phẩm của ông Nguyễn Văn Lục đã làm dư luận xôn xao trong đó, Nguyễn Tường Thiết là con út của Nhất Linh đã viết ba bài phản bác kịch liệt trên các Diễn Đàn Internet để bênh vực cho cha.

Nguyễn Tường Tam viết rằng đời ông để Lịch sử xét xử. Cái chết của ông đã ngót nửa thế kỷ. Chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cũng đã bị lật đổ ngót nửa thế kỷ. Bao nhiêu tài liệu đã được giải mật, phơi bày, chẳng còn gì giấu kín. Những lời của LS Lê Nguyên Phu và của Nguyễn Tường Thiết viết ra về Nhất Linh đã làm sáng tỏ về con người của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: “Nhất Linh xuống núi, lăn vào chính trị, tham gia đảo chính hụt, thất bại, sợ sệt, trốn tránh, bị điều tra và ở thế cùng, chọn cái chết”, chứng tỏ Nhất Linh không phải là người có bản lĩnh chính trị, không có viễn kiến chính trị. Nhất Linh thành công về văn học và thất bại ê chề về chính trị.

Người viết tự hỏi: nếu quả thực nhà văn Nhất Linh không dính gì vụ Binh Biến 11-11-1960 thì tại sao lại phải trốn tránh, và tại sao lại nài nỉ xin Ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phụ tránh cho chuyện đối chất với thuộc hạ đàn em? Còn nếu Nhất Linh đã có gan tham gia Binh Biến thì tại sao không có gan đứng trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt mạnh dạn phản bác mọi cáo buộc, công khai lên án sự chà đạp tự do của chính quyền Ngô Đình Diệm? Nếu Nhất Linh có can đảm làm như thế thì liệu chính quyền Ngô Đình Diệm có dám kết án nặng nề hay phải nhượng bộ ông? Nếu Nhất Linh có viễn kiến chính trị, nhìn thấy sự thay đổi sẽ xẩy ra trong tương lai gần trong tinh hình xáo trộn tháng 7/1963, thì có lẽ Nhất Linh đã không tự tử. Biết đâu rằng sự gan dạ và mạnh dạn ra Tòa Án sẽ là một bản Cáo Trạng lớn lao hơn với chế độ và là một thành tích lẫy lừng của Nhất Linh để sau khi biến cố 1-11-1963 xảy ra sẽ đưa Nhất Linh lên hàng lãnh đạo quốc gia, vượt xa những Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm? Thật tiếc cho ông đã bỏ lỡ mất cơ hội ngàn năm một thuở.

Theo thiển ý, muốn đấu tranh kết quả, ít nhất phải giữ mạng sống của mình đã. Bị bắt ra Tòa đâu có phải là điều sỉ nhục. Trong lịch sử đấu tranh, có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người bị đưa ra Tòa có sao đâu. Chỉ có gian dối hay có điều gì khuất tất sợ sự thật mới trốn tránh. Nhất Linh đã không làm thế? Nhất Linh muốn đời ông để lịch sử xét xử thì nay sự thật lịch sử đã được phơi bày rồi đó kể cả sự thật về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Lịch sử cho thấy mọi biến cố chính trị liên hệ đến Việt Nam Cộng Hòa đều có bàn tay của ngoại bang. Bàn tay ấy giống như một con bạch tuộc với trăm ngàn cái vòi đã len lỏi, thọc sâu vào mọi cơ cấu từ thượng tầng đến hạ tầng quốc gia để đạo diễn mọi biến cố rất tinh vi mà người đương thời ít ai biết được. Cái chết của Nhất Linh không chắc đã đem lại ích lợi gì cho đất nước, nhưng rõ ràng là giúp thêm cho chiến dịch tuyên truyền lưu manh của ngoại bang đang muốn khai thác nhằm lật đổ chế độ Cộng Hòa Việt Nam với TT Ngô Đình Diệm, một người mà thù phải sợ, bạn phải nề.

Trường hợp Giáo sư Vũ Văn Mẫu: kẻ khôn làm đầy tớ thằng ngu hai lần!

Khi Mỹ âm mưu lật đổ TT Ngô Đình Diệm  và nền Đệ Nhất Cộng Hòa bằng việc mua chuộc một số tướng lãnh đóng vai trò chủ chốt thì mặt khác, Mỹ cũng liên hệ và mua chuộc những nhân vật dân sự bằng những hứa hẹn quyền lợi và chức tước. Những nhân vật đó gồm: Ông bà Đại sứ Trần Văn Chương ở Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống Võ Văn Hải và đặc biệt là Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu. Người viết muốn nhấn mạnh đến nhân vật Vũ Văn Mẫu ở đây.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu có bằng Thạc sĩ Tư Pháp, được chính phủ Ngô Đình Diệm cho làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, sau cất nhắc lên làm Bộ Trưởng Ngoại Giao từ 1955 đến 1963. Trên cương vị Bộ Trưởng Ngoại Giao, nhờ nội bộ ổn định và nhất là bằng vào uy tín của chính quyền  Đệ Nhất Cộng Hòa và cá nhân TT Ngô Đình Diệm, Giáo sư Vũ Văn Mẫu nghiễm nhiên trở thành một trong những khuôn mặt sáng giá của chế độ. Trong thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Giáo sư Vũ Văn Mẫu vẫn được tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Luật Khoa các lớp ban Cử Nhân và ban Cao Học. Đặc biệt, các sách giáo khoa (Cours) do Giáo sư biên soạn như Dân Luật Khái Luận, Dân Luật Lược Khảo, vân vân đã được các sinh viên đón mua cách nồng nhiệt, và đó cũng là món huê lợi không phải là nhỏ. Chức vụ, quyền hành và lợi lộc tưởng chưa mấy nhân vật nào được ưu đãi hơn. Theo Giáo sư Vũ Quốc Thúc, TT Ngô Đình Diệm tỏ ra rất nể trọng GS Vũ Văn Mẫu và GS Vũ Quốc Thúc. Cả hai ông đều được TT Ngô Đình Diệm trân trọng kêu bằng “Ngài”. Vậy mà sau khi được Mỹ móc nối và hứa hẹn, GS. Vũ Văn Mẫu đã trở mặt, quay đúng 180 độ ngay sau biến cố Phật Giáo cũng do CIA Mỹ đạo diễn, cạo đầu, xin từ chức và xin đi hành hương Ấn Độ. Việc làm của GS Vũ Văn Mẫu dĩ nhiên như đổ thêm dầu vào lửa sau vụ “bị thiêu sống” của TT Thích Quảng Đức làm cho tình hình bang giao Việt – Mỹ đang căng thẳng, trở nên gay cấn hơn, tạo thêm lý do để Mỹ xúi giục bọn tướng lãnh phản bội chuẩn bị ra tay. Tưởng rằng sau đảo chánh 1-11 thành công, GS. Vũ Văn Mẫu sẽ nắm vai trò quan trọng như chức vụ Thủ Tướng, nào ngờ được bố thí cho chức Đại Sứ tại Anh Quốc. Nhưng chưa đầy 4 tháng thì cuộc Chỉnh Lý của Nguyễn Khánh xẩy ra khiến Giáo sư mất luôn chức Đại sứ để trở về Trường Luật dạy học kiếm ăn.

Sau một thời gian thậm thụt đi theo phe Phật Giáo Ấn Quang chẳng ăn cái giải gì vì đám  sư này quyết liệt tẩy chay mọi hoạt động của Chính quyền VNCH thì sự nghiệp chính trị của GS Vũ Văn Mẫu kể như kết thúc. Nhưng đột nhiên, đám sư sãi nghĩ lại nếu cứ tiếp tục tẩy chay chính quyền thì tự cô lập mình và phe Phật Giáo Việt Nam Quốc Tự của TT Thích Tâm Châu được chính quyền công nhận sẽ thắng thế. Phật Giáo Ấn Quang liền tung ra Liên Danh Hoa Sen ứng cử vào Thượng Nghị Viện 1973 do GS. Vũ Văn Mẫu đứng Thụ Uỷ cùng một số nhân vật như Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Tôn Thất Niệm, Tôn Ái Liêng, Trần Quang Thuận, vân vân đồng thời ủng hộ Dương Văn Minh ra tranh cử Tổng Thống. Nhưng khi thắng cử vào Thượng Nghị Viện rồi, Liên danh Hoa Sen cũng vẫn chỉ là thiểu số không nắm được một chức vị nào cả. Đã vậy, Nghị sĩ Nguyễn Duy Tài trong Liên danh Hoa Sen lại trở cờ chạy theo phe thân chính quyền, được chức Chủ Tịch Ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện.  Suối gần 2 năm trời ở Thượng Viện, Liên danh Hoa sen và NS Vũ Văn Mẫu chẳng làm nên trò trống gì. Qua năm 1975, tình hình mỗi ngày thêm biến đổi, ông được phe Ấn Quang cử làm Chủ Tịch Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc mà Văn phòng đặt tại Khối Dân Tộc Xã Hội Hạ Nghị Viện. Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu theo chỉ đạo của Ấn Quang đang nhắm đóng vai trò đại diện “Thành phần thứ ba” trong Chính Phủ ba thành phần. Nhưng vì thiển cận không nhìn xa trông rộng, không thấy được nước cờ Hoa Kỳ và đối phương đang đi nên cuối cùng trở thành công cụ hốt rác cho Mỹ. Ngày 28-04-1975, vừa mới nhậm chức, thì cùng với Dương Văn Minh, ông nhân danh là Thủ Tướng Chính Phủ tuyên bố: “Yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ” không phải để có “Chính Phủ Hòa Hợp Hòa Giải” mà là để đầu hàng cách nhục nhã Cộng Sản ngày 30-04-1975.

DƯƠNG VĂN MINH & VŨ VĂN MẪU đầu hàng ngày 30-4-1975  

Nhiều nhân vật cho biết, vào những giờ phút cuối, khi Dương Văn Minh bị áp lực của Việt Cộng sắp sửa tuyên bố đầu hàng, “Thủ Tướng một ngày” Vũ Văn Mẫu đã tỏ ra hoảng sợ cũng muốn tìm đường chạy trốn nhưng quá muộn, đành phải cúi đầu theo Dương Văn Minh vào Dinh Độc Lập đón tiếp bọn ăn cướp!  Bị kẹt lại Việt Nam, Vũ Văn Mẫu cũng như Dương Văn Minh, nhờ “công lao hãn mã đầu hàng vô điều kiện” nên Cộng Sản tha cho khỏi phải đi “học tập cải tạo” trong các trại tù như bao Quân Dân Cán Chính VNCH khác, mà chỉ bị học tập tại chỗ.  Mấy năm sau, khi tình hình ổn định, Việt Cộng cho ông qua Pháp định cư.

Năm 1988, ông viết Hồi Ký “Sáu Tháng Pháp Nạn của Minh Không Vũ Văn Mẫu” để kể tội chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ đã đối xử rất tử tế với ông.

Đọc bài giới thiệu Hồi Ký “Sáu Tháng Pháp Nạn” của GS. Vũ Văn Mẫu do Giao Điểm xuất bản năm 2003 trên Internet, người ta thấy ông chê bôi, chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm và các nhân vật trong gia đình Tổng Thống Diệm một cách gay gắt không tiếc lời. Chưa hết, ông tấn công Dụ Số 10 do Bảo Đại đưa ra nhưng lại đổ tội cho TT Ngô Đình Diệm là thủ phạm vì nó mà gây nên Pháp nạn!

Người viết tự hỏi: Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, một nhân vật chính trị lớn, một nhà ngoại giao có tầm vóc, một Luật gia nổi tiếng, một Kẻ Sĩ thời đại tại sao lại có hành động như vậy?  Đáng lý ra với tư cách là một Luật gia nổi tiếng, một nhân vật lớn của chế độ (Bộ Trưởng Ngoại giao), một tín đồ Phật Giáo thuận thành với “Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi”, một kẻ sĩ thời đại “Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ  bất năng khuất”, đã được chế độ ưu đãi trân trọng, thì nếu có những gì sai trái xảy ra, phải có bổn phận lên tiếng can ngăn, cảnh giác, trình bày điều hơn lẽ thiệt để Chính quyền mình đang phục vụ sửa đổi và để cứu nguy chế độ, chớ sao lại bỏ ngang chơi trò “cạo đầu”, đổ thêm dầu vào lửa, đâm sau lưng Lãnh Tụ? Là một nhân vật được Tổng Thống rất nể trọng, tại sao ông không có can đảm đặt thẳng vấn đề với Tổng Thống khi họp Hội Đồng Nội Các hay lúc gặp gỡ riêng liên hệ đến lãnh vực ngoại giao? Vậy mà ông ngậm tăm, không làm gì cả!

Có phải vì ông cũng là thứ người hèn nhát, chỉ biết gọi dạ bảo vâng? Nếu quả tình GS Vũ Văn Mẫu xứng đáng với những danh xưng đó, thì những ai chịu suy nghĩ cũng khó mà tìm được lời giải đáp. Vì cho đến giờ phút này, vẫn chưa có ai chứng minh được rằng Dụ Số 10 đã gây thiệt hại những gì cho Phật Giáo, ngoại trừ luận điệu xuyên tạc chế độ Ngô Đình Diệm là “gia đình trị” và “kỳ thị tôn giáo”. Nói cho cùng, Dụ số 10 chỉ là cái cớ để mấy nhà sư tranh đấu lợi dụng nhằm gây bất mãn cho mục tiêu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Còn trên thực tế, vì nhu cầu tổ chức của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, vua Bảo Đại ban hành Dụ số 10 để cơ quan hành chánh căn cứ vào đó mà làm việc với các tổ chức đoàn thể. Trên nguyên tắc, Phật Giáo là một tổ chức thì cũng phải ghi tên, đăng ký như các đoàn thể tổ chức khác. Nhưng cũng trên thực tế là Chính quyền của TT Ngô Đình Diệm không hề áp dụng Dụ số 10 với Phật Giáo. Chẳng những thế, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa còn tỏ ra trân trọng giúp đỡ tận tình Phật Giáo xây Chùa, cho sư tăng xuất ngoại du học, vân vân và có thể nói đó là thời Phật Giáo phát triển mạnh nhất.

Luận điệu nói rằng chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo cũng sai. Tầm cỡ như TT Ngô Đình Diệm hay ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đâu có ngu xuẩn hay dại dột làm những điều tệ hại như thế. Còn đối với Giáo Hội Công Giáo thì vì chưa được Tòa Thánh Vatican coi là trưởng thành, nên vẫn còn nằm dưới sự quản trị của Hội Thừa Sai Paris tức là MEP (Mission Étrangère de Paris) chớ chẳng phải ưu đãi gì. Vậy mà mấy ông đã “vọng ngữ” tức là nói láo rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, thật không thể tưởng tượng được mồm ép của mấy ông “sư hổ mang”! Các ông đả kích Chính quyền Ngô Đình Diệm về Dụ số 10 để rồi lại gửi văn thư 13-01-1964 xin phép Bộ Nội Vụ của Chính quyền quân phiệt ban hành Nghị định cho phép thành lập Giáo Hội, công nhận Hiến Chương  của mấy ông thì có khác gì “nhổ ra rồi lại nuốt vô”! Bởi thế, càng hô hào thống nhất lại càng chia rẽ! Thống nhất rồi mới tự chia ra hai phe: Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang! Vì có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên ngày nay mới có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh). Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Đó cũng là luật nhân quả của nhà Phật!  Pháp nạn ở đâu mà ra? Pháp nạn nằm trong lòng mấy ông đó! Nhưng Dụ Số 10 thì vẫn còn giá trị pháp lý và nó vẫn chưa hề bị hủy bỏ, ít ra là cho đến ngày 30-04-1975. (Xin đọc Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu 1994).

Trở lại trường hợp GS Vũ Văn Mẫu, quả thật làm Kẻ Sĩ không phải dễ. Có học vị cao, có chức tước lớn cũng chưa bảo đảm hành động tốt và có đạo lý làm người. Khi đã tối mắt vì quyền lợi và chức tước thì Đạo Lý cũng sẽ bị giục vô thùng rác. Tất cả những hành động của GS Vũ Văn Mẫu kể từ khi cạo đầu đã lột trần bản chất con người ông. Càng về sau thì sự thật con người của ông càng lộ ra những cái mà người có lương tri, đạo lý phải lắc đầu: một tên hoạt đầu chính trị!

Nhân danh là một trí thức, một nhà ngoại giao lớn, một chính trị gia có hạng, một luật gia nổi tiếng, vậy mà ông Vũ Văn Mẫu đã nghe lời dụ dỗ của ngoại bang, cạo đầu chống đối chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, một chế độ hợp hiến, hợp pháp, hợp đạo lý để làm tay sai cho Dương Văn Minh, một tên tướng tham, hèn, ngu dâng nốt Miền Nam cho Cộng Sản.

Người ta nói: “Làm đầy tớ cho thằng khôn hơn làm thầy thằng ngu.” GS Vũ Văn Mẫu, thay vì làm thầy thằng khôn, lại dại dột đi làm đầy tớ cho thằng ngu, không phải một lần (1963) mà tới hai lần (1975) cho tên tướng tham, hèn, ngu   Dương Văn Minh nên thân bại danh liệt là cái chắc.

Thời thế biến chuyển. Lòng người thay đổi. Chỉ vị lợi lộc và thiếu suy nghĩ, những kẻ võ biền như bọn tướng lãnh đâm thuê chém mướn xuất hiện. Những trí thức nửa mùa hoạt đầu như Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Oánh, và sau cùng như Vũ Văn Mẫu nổi lên a dua cũng không thiếu. Người ta nói: “Khôn ba năm dại một giờ”. Bọn chính khách hoạt đầu điếm đàng này thì “khôn ba năm, dại một đời”. Cái dại chẳng những làm hại chính bản thân nó mà làm hại cả một dân tộc!

Thêm một dữ kiện nói về Vũ Văn Mẫu

      Sau khi viết về Vũ Văn Mẫu, tình cờ người viết đọc thêm được tác phẩm “Vietnam, qu’ as tu fait de tes fils” tác giả Pierre Darcourt do Dương Hiếu Nghĩa dịch sang tiếng Việt do Tiếng Quê Hương Virginia xuất bản năm 2007 với tên “Việt Nam Quê Mẹ oan khiên” nơi Chương 10, trang 150, 151 và 152 nguyên văn như sau:

“Đây đúng là thời điểm để nhận xét nghiêm túc về Hiệp Định Paris. Chế độ cảnh sát và quân đội của ông Thiệu phải nhường chỗ cho các đại biểu có trách nhiệm và xứng đáng hơn, để họ bắt đầu cuộc nói chuyện thành thực và nghiêm chỉnh với Cộng sản trước khi đã quá trễ.

Người nói với tôi câu đó là Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, tiến sĩ xuất thân từ Đại Học Luật Khoa Paris (như tấm biển treo trước văn phòng Luật sư của ông), và Chủ Tịch Phong Trào Hòa Giải Dân Tộc, một tập hợp của Phật Giáo quy tụ những người chống ông Thiệu dai dẳng nhất.

Nhỏ người, tròn trịa, khoảng sáu mươi, xăng xái, gương mặt xương xẩu, cử chỉ linh hoạt và giọng nói thanh tao kỳ lạ, luật sư của các công ty xăng dầu lớn (Shell và Socony) ông Mẫu là người giàu có, nói nhiều, khôn khéo và cơ hội chủ nghĩa hơn là thành thực và quả cảm. Dân Sài Gòn không thích ông, một phần vì ông gốc người Miền Bắc, một phần vì họ thấy ông kiêu căng và trí trá. Dù sao ông cũng thông minh và lanh lợi. Ông từng là Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã nhiệt tình và tận tụy phục vụ Tổng Thống Diệm với đường lối cương quyết chống Cộng, nhưng sau đó, khi có cuộc khủng hoảng Phật Giáo, ông tự từ chức và cạo đầu để chứng tỏ hết lòng với sự tranh đấu của các nhà sư. Ba tháng sau đó Tổng Thống Diệm bị sát hại.

Tin chắc là Phật tử đang cần có một “lãnh đạo thực sự” nên ông Mẫu đi sát với các nhà sư chủ chốt của Khối Ấn Quang, những người chống đối mọi hình thức của chế độ quân nhân, và nhờ họ yểm trợ, ông đắc cử Nghị Sĩ.

Ông va chạm với tướng Kỳ, sau đó là ông Thiệu.

Cuối năm 1973, lúc ông Thiệu định sửa đổi Hiến Pháp nhằm ra tranh cử Tổng Thống nhiệm kỳ thứ 3, Vũ Văn Mẫu lại cạo đầu một lần nữa để chống đối và tuyên bố chỉ để tóc lại “ngày nào mà chế độ độc tài cáo chung”. Từ đó ông có thêm một biệt danh là “thợ cạo hàn thử biểu.”

          – Ông Thiệu đã dối gạt hết mọi người, trừ tôi. Chỉ có một cách để chấm dứt cuộc chiến, là cho ông Thiệu ra đi và đưa tướng Minh lên thay ông ta.

Ông  Mẫu nói với tôi bằng giọng nói lạ lùng của một cậu bé vênh váo.

          – Còn Hiến Pháp thì sao?

Bằng cử chỉ kiên quyết, ông gạt phăng luận cứ này:

          – Ông Thiệu đã vi phạm Hiến Pháp để tiếp tục chiến tranh. Ai cấm cản chúng tôi vi phạm Hiến Pháp để đem lại hòa bình? Chúng tôi sẽ tìm được đa số tương tự để làm chuyện đó.

          – Và người nào sẽ là Thủ Tướng?

          – Tôi!

Luật sư Vũ Văn Mẫu phá lên cười nắc nẻ có vẻ bực tức, sau đó làm nghiêm lại, nói tiếp với giọng tâm tình:

          – Ông biết không, tôi tốt với tướng Minh lắm. Ông đã nói với tôi là ông rất cần một người giỏi về luật để bàn cãi với Cộng Sản… và ông đã nhắm vào tôi.

          – Ông thật sự tin có thể thương thảo trong khuôn khổ Hiệp Định Paris à?

          – Không có căn bản nào khác để thương thảo, và đây là nghề của tôi, nghề bàn cãi, biện hộ, thuyết phục và cà dùng mưu nữa. Tôi biết bênh vực cho một hồ sơ, tin tôi đi. Khó bắt bí tôi lắm, tôi sẽ dùng một luận cứ mà không ai dám làm. Một khi tôi lên rồi, tôi sẽ đòi hỏi tất cả người Mỹ phải rời khỏi ngay đất nước này trong vòng 24 giờ, và hãy tin tôi đi, họ sẽ đi ngay cho ông xem! Ông có vẻ hoài nghi hả? Ông sai rồi. Tôi cho ông một cái hẹn trước ba tuần lễ ở Dinh Độc Lập. Tôi sẽ là Thủ Tướng, tôi sẽ tiếp ông, và chừng đó ông sẽ thấy là tôi giữ lời hứa.

Vô liêm sỉ? … hay đã nắm một trò chơi mà ông ta biết rõ những con bài nhưng không muốn trưng ra?

Tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai. Vì Vũ Văn Mẫu là người chẳng bao giờ mạo hiểm không công.

Pierre Darcourt nhận xét khá chính xác về con người Vũ Văn Mẫu!

Nguyễn Tường Tam

Pierre Darcourt: “Vũ Văn Mẫu – thợ cạo hàn thử biểu.”

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963 thì Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tình trạng xáo trộn và khủng hoảng lãnh đạo chưa từng thấy.

Sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, tình hình Miền Nam trở nên xáo trộn chưa từng thấy. Người ta mới nhận ra được sự bất lực của nhóm phản tướng và đồng bọn cùng thực chất của họ, chỉ lo tranh quyền đoạt chức và không biết làm việc. Bởi đó, hệ thống an ninh bị bỏ ngỏ vì Quốc sách Ấp Chiến Lược bị phá vỡ. Việt Công gia tăng xâm nhập phá hoại. Tình hình Miền Nam từ nông thôn đến thành thị trở nên nguy ngập. Mỹ phải cấp tốc đổ nửa triệu quân vào cứu vãn. Và như đã nói trên suốt hai năm trời sau đảo chính (1963-1965), Miền Nam đã trở thành vũng lầy đầy những xáo trộn và bất ổn. Bây giờ người ta mới biết nhân vật lãnh đạo một quốc gia trong tình trang chậm tiến và chống Cộng quan trọng như thế nào? Cũng từng ấy nhân sự, cũng từng ấy cơ sở mà tại sao tình hình trước và sau ngày 1-11-1963 thay đổi một cách khác thường như vậy? Bây giờ thì người ta cũng mới biết tài năng, đức độ của TT. Ngô Đình Diệm và những cộng sự viên đắc lực trong việc điều hành guồng máy quốc gia là quan trọng.

Cầu cứu Đảng viên Cần Lao

Sau khi Tướng Nguyễn Khánh làm cuộc Chỉnh Lý 30-01-1964 lên làm Thủ Tướng thì Liên Hiệp Nghị Sĩ Quốc Tế nhóm họp Đại Hội hằng năm gửi thư mời Đại diện Việt Nam Cộng Hòa tham dự vì Quốc Hội thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã là hội viên thường trực của tổ chức này. Nguyễn Khánh đã cử một nhân vật mới nào đó (người viết không nhớ tên) qua Ba Lan phó hội nhưng bị từ chối. Nguyễn Khánh phải cho người vào khám Chí Hòa mời Cựu Dân Biểu Cần Lao Nguyễn Phương Thiệp ra hướng dẫn phái đoàn VNCH qua phó hội vì DB Nguyễn Phương Thiệp đã từng là Trưởng Phái Đoàn Quốc Hội VNCH (trong phái đoàn thời đó có bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân) đã được bầu làm Chủ Tọa hai khóa họp thường niên. Tưởng cũng nên biết Liên Hiệp Nghị Sĩ Quốc Tế là tổ chức quy tụ các Đại Biểu Quốc Hội thuộc các Quốc gia trên toàn thế giới (cả Tự do lẫn Cộng sản), trong đó Việt Nam Cộng Hòa được thâu nhận mà Cộng Sản Bắc Việt bị từ chối, lý do vì Quốc Hội Việt Cộng suốt từ 1946 đến 1960 không hề được bầu lại. Đó là mặt đối ngoại.

Về đối nội, sau khi hai Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm thực hiện cuộc Chính Lý thời các Đảng Viên Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia được thả dần. Đặc biệt sau khi tướng Nguyễn Khánh được Hội Đồng Tướng Lãnh “cho đi” làm “Đại Sứ Lưu Động” ở Hoa Kỳ (25-02-1965).  Lý do rất đơn giản là Chính phủ mới cần người biết làm việc và lấy hậu thuẫn trong cuộc bầu cử Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Quốc Hội VNCH năm 1967 sau khi Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hòa đã được ban hành. Lúc đó Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Tuy Tướng Thiệu ở cương vị lãnh đạo cao hơn, nhưng thực quyền lại nằm trong tay Tướng Kỳ. Vì cả hai đều muốn ra làm Tổng Thống nên tranh chấp nhau kịch liệt. Ông Thiệu nắm được đa số thành viên trong Hội Đồng Quân Lực. Còn ông Kỳ nắm guồng máy Chính Phủ. Để nắm chắc phần thắng, cả hai đều đi tìm hậu thuẫn từ các đoàn thể quần chúng. Đảng Cần Lao tuy đã bị giải tán nhưng rất nhiều người vẫn còn làm việc trong các cơ quan chính phủ. Cả hai ông Thiệu, Kỳ đều cho người vận động các Đảng viên Cần Lao vì hai ông đều biết rằng số này có khả năng và uy tín.

Ông Thiệu đã chỉ thị cho Đại Tá Cục Trưởng Quân Cụ và vị này đã nhờ một Đại Úy đang làm việc với một Sĩ quan cựu Đảng Viên Cần Lao (Trung Tá Nguyễn Văn Minh) trong một đơn vị thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để mời vị Sĩ quan này dùng cơm gia đình tại tư thất, nhân thể chuyển lời của Tướng Thiệu muốn vị này vận động các Đảng viên CLNVCMĐ ủng hộ ông trong kỳ bầu cử Tổng Thống. Theo tiết lộ của vị này thì trong một buổi lễ do Tổng Cục CTCT tổ chức, ông Thiệu đã đích thân đến bắt tay và nói nhỏ (vì ông Thiệu có quen biết và từng nhờ vả khi trước). Nhưng vị này đã khéo léo trả lời: “Thưa Trung Tướng, chúng tôi như những người con gái đã lấy chồng và chồng lại vừa mới chết mồ mả chưa xanh cỏ. Nếu chúng tôi ra tay công khai ủng hộ Trung Tướng thì e rằng dư luận phê phán và như vậy cũng không mang lại lợi ích gì cho Trung Tướng. Riêng cá nhân tôi, tôi hết lòng ủng hộ Trung Tướng”. (Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh  kể lại cho người viết).

Phần ông Nguyễn Cao Kỳ, đang trên cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Thủ Tướng, lại nhắm những nhân vật dân sự cùng một số cựu Đảng viên Cần Lao trong Quân đội bị cho giải ngũ. Những cựu Đảng viên này nói với ông Kỳ rằng Đảng Cần Lao từ ngày 1-11-1963 đã bị chính phủ giải tán, đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nay ông muốn chúng tôi giúp thì ông phải trả tự do cho những Đảng viên đang còn bị chính quyền cầm tù và phải cấp giấy phép cho tái lập Đảng với danh xưng mới. Kết quả ông Kỳ đồng ý cấp giấy phép và Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng tái hoạt động với tên mới là Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng.

Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng: hậu thân của Cần Lao

Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng (VNNXCMĐ) có trụ sở tại 86 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Ba nhân vật lãnh đạo gồm các ông:

– Giáo sư Trương Công Cừu, nguyên Bộ Trưởng Đặc Trách Văn Hóa Xã Hội (thời Đệ I CH) kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao sau khi GS Vũ Văn Mẫu xin từ chức.

– Dược Sư Ngô Khắc Tỉnh, Cựu Dân Biểu thời Đệ I VNCH, sau làm Bộ Trưởng Thông Tin và Bộ Trưởng Giáo Dục thời chính phủ Trần Thiện Khiêm (1970-1975)

– Luật sư Lê Trọng Quát, Cựu Dân Biểu Đệ I VNCH.

VNNXCMĐ đã tổ chức được gần 40 Tỉnh, Thị Bộ trên toàn quốc, nhờ móc nối và sinh hoạt lại được với các thành viên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Đảng viên Cần Lao.

Tại Quốc Hội:

Ở Hạ Nghị Viện VNCH pháp nhiệm I (1967-1971) đã quy tụ được 14 Dân Biểu. Năm 1971, ông Ngô Trọng Hiếu ra ứng cử Dân biểu Hạ Nghị Viện pháp nhiệm 2 (1971-1975) đơn vị Biên Hòa (Hố Nai) đã đắc cử với số phiếu thật lớn vì nhờ uy tín khi làm Bộ Trưởng Công Dân Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa với TT Ngô Đình Diệm.

Ở Thượng Nghị Viện thì Liên danh Mặt Trời của Cựu TT. Huỳnh Văn Cao và Liên danh Bạch Tượng của ông Trần Văn Lắm đều có người là cựu Đảng viên Cần Lao Nhân Vị, nhưng người viết không nhớ rõ Nghị sĩ nào đã tham gia VNNXCMĐ.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, nguyên Tỉnh Trưởng Gia Định, là Tổng Thư Ký VNNXCMĐ ứng cử và đắc cử vào Viện Giám Sát. Sau 1975, GSV Nguyễn Đức Xích bị Việt Cộng bắt vô trại tù Vườn Đào (Tiền Giang, Mỹ Tho), và bị bắn chết sau một cuộc tranh luận tay đôi và công khai với Việt Cộng.

Tại sao lại chọn tên là Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng?

Số là sau biến cố 1-11-1963, một vài nhân vật thời Đệ Nhất Cộng Hòa nhận thấy khoảng trống chính trị lớn lao ở Miền Nam và sự thiếu sót một chủ thuyết chống Cộng, cho nên đã họp bàn và đi đến quyết định tái phục hoạt Đảng Cần Lao tại nhà ông Trần Quang Ngọc. Nhưng thay vì dùng danh xưng Cần Lao Nhân Vị Các Mạng Đảng như trước, họ đã quyết định đổi thành Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng. Mới đầu, VNNXCMĐ đã gây được sự chú ý của dư luận. Nhưng sau một thời gian, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội, mời hai ông Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát đảm trách Bộ Thông Tin thì sinh hoạt của VNNXCMĐ bắt đầu đi xuống. Cũng mới đầu, bộ ba “Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát” làm việc có vẻ khắng khít, thì nay bỗng nhiên chia tay vì đòn ly gián của ông Thiệu. Thật ra, chẳng riêng gì Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng mà 5 Đảng kia trong Mặt Trận (Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Việt Nam Dân Xã Đảng và Liên Minh Dân Tộc Cách Mạng Xã Hội) cũng vậy, nghĩa là đều ở trong tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Các lãnh tụ Đảng đều là những nhân vật có tiếng tăm, nhưng khả năng lãnh đạo và tổ chức lại yếu kém. Những chính Đảng này đã không đề ra được một chương trình hành động cụ thể đáp ứng tình hình. Mặt khác, tổ chức lỏng lẻo, kết nạp đảng viên bừa bãi, vụ số đông, sinh hoạt rời rạc nên không gây được ảnh hưởng gì. Thực lực lúc đó là Quân Đội, được mệnh danh là Đảng Kaki.

Ngay từ đâu, Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng đã mắc vào tệ nạn phe phái, đầu óc địa phương. Nhân Xã là hậu thân của Cần Lao nhưng lại do nhóm Miền Trung lãnh đạo với bộ ba Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát, nên dư luận nội bộ mệnh danh là “nhóm Phủ Cam”. Nhóm này kỳ thị Đảng Viên Cần Lao khác nên gây ra sự phân hóa là chuyện đương nhiên phải xảy ra.

Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng

      Vì không được mời tham gia vào Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng nên hai ông Trần Chánh Thành, nguyện Bộ Trưởng Thông Tin thời Đệ Nhất Cộng Hòa và ông Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Giám Đốc Thanh Niên đã cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng (CĐCHĐC), trụ sở đặt tại Lầu 2 Thương Xá Tax, Đại Lộ Lê Lợi Sài Gòn, gần trụ sở Hạ Nghị Viện. Dư luận cho rằng CĐCHĐC được một nhóm có phương tiện tài chánh yểm trợ như bà Dược sĩ Nguyễn Thị Hai, chủ Hãng Thuốc Tây Trang Hai, nhưng nói chung hoạt động của CĐCHĐC cũng không có gì đặc biệt. Ông Trần Chánh Thành ở trong Liên Danh Bạch Tượng do ông Trần Văn Lắm đứng thụ ủy đắc cử Nghị sĩ Thượng Viện, sau được TT Nguyễn Văn Thiệu mời ra làm Bộ Trưởng Ngoại Giao trong nội các Trần Thiện Khiêm. Ông Cao Xuân Vỹ năm 1971 ra ứng cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện đơn vị Bình Tuy nhưng thất bại. Bà Nguyễn Thị Hai đắc cử Dân biểu Pháp nhiệm 2 và được bầu làm Đệ Nhị Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viên trong liên danh Nguyễn Bá Cẩn.

 Báo Nhân Xã và Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Ô. Hoàng Xuân Việt

Ông Hoàng Xuân Việt là một học giả, một nhà văn chuyên về biên khảo với trên 60 tác phẩm thuộc loại Học Làm Người. Ông là Đảng viên Cần Lao giàu kiến thức và nhiệt huyết, làm việc trong Sở Nghiên Cứu với BS. Trần Kim Tuyến. Chủ trương lập Đảng của ông có lẽ sớm hơn so với các lãnh tụ Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng và Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng. Khoảng tháng 8 năm 1965, nghĩa là chưa đầy 2 năm sau cuộc đảo chánh 1-11-63, ông Hoàng Xuân Việt đã cho ra tờ Tuần Báo Nhân Xã địa chỉ 33 đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn làm cơ quan tuyên truyền đồng thời đứng ra lập Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Người viết có lần đến thăm ông Hoàng Xuân Việt và ông Nguyễn Văn Triều (Chủ tịch Hội Đua Ngựa (?) ở địa chỉ 33 đường Hai bà Trưng, Sài Gòn  thì được ông Hoàng Xuân Việt cho biết đã chính thức thành lập Đảng. Người viết hỏi tên Đảng là gì? Ông Hoàng Xuân Việt trả lời bằng tiếng Pháp: “Démocrate chrétien” tức là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Người viết hỏi lại cái tên đó (Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) liệu có thích hợp với tình hình Việt Nam hay không? Ông Hoàng Xuân Việt bảo rằng bên Đức cũng có Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thì có sao đâu?

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của nhóm ông Hoàng Xuân Việt và Nguyễn Văn Triều không có tiếng tăm gì vì ít sinh hoạt, nhưng tờ tuần báo Nhân Xã là cơ quan ngôn luận của Đảng đã nói lên tinh thần của Cần Lao Nhân Vị.

 Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội của TT Nguyễn Văn Thiệu

Sau khi đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 1 (1967-1971) của Đệ Nhị Cộng Hoà, ông Nguyễn Văn Thiệu bắt đầu củng cố quyền lực để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Phía Quân Đội coi như ông đã nắm vững và loại được phe phái của Nguyễn Cao Kỳ. Vì áp lực của Quân Đội và nhất là của Mỹ, ông Nguyễn Cao Kỳ đã phải chấp nhận làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống cho ông Thiệu trong Liên danh với một số hứa hẹn nào đó của ông Nguyễn Văn Thiệu như chấp nhận Thủ Tướng phải là người của ông Kỳ đưa ra. Tạm thời, ông Thiệu đã nhượng bộ, chấp nhận cho LS. Nguyễn Văn Lộc là người của ông Kỳ làm Thủ Tướng. Sau đó, ông Thiệu tìm cách loại dần ảnh hưởng của nhóm ông Kỳ.

Ngoài ra, nhằm thực hiện quy chế lưỡng đảng để lấy lòng Mỹ và tạo sự đoàn kết thống nhất, TT Nguyễn Văn Thiệu đã đứng ra thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội do ông lãnh đạo như là phe nắm chính quyền. Mặt khác, ông Thiệu kêu gọi các Đảng phái khác nếu không muốn hợp tác với Chính Phủ có thể đứng ra lập Liên Minh đối lập.

Kết quả phía chính quyền với Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội do TT Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn quy tụ 6 Đảng sau đây:

  1. Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh)
  2. Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng (Trương Công Cừu)
  3. Việt Nam Dân Xã Đảng (Phan Bá Cầm)
  4. Đại Việt Cách Mạng (Hà Thúc Ký)
  5. Lực Lượng Đại Đoàn Kết (Nguyễn Gia Hiến)
  6. Liên Minh Dân Tộc Cách Mạng Xã Hội (Nguyễn Văn Hướng)

Phía đối lập cũng rục rịch vận động lập Liên minh. Người viết có đến trụ sở Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng thăm quý ông Trần Chánh Thành và Cao Xuân Vỹ, tình cờ gặp Giáo sư Vũ Quốc Thông đại diện cho Lực Lượng Dân Chủ Phật Giáo và một vài vị thuộc đảng phái khác nhưng không nhớ tên. Quý vị đã họp bàn về việc hình thành Liên minh Đối lập nhưng chưa đi đến kết quả nào.

Khi cho ra đời Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội, TT Nguyễn Văn Thiệu đã gây được sự chú ý của dư luận. Hoa Kỳ hoan nghênh nhiệt liệt. Còn Cộng Sản Bắc Việt thì liền tung ra chiến dịch đả kích thậm tệ trên các Đài phát thanh của chúng mấy tuần liền. Điều đó chứng tỏ CSBV rất sợ một thế Liên Minh chống Cộng chặt chẽ của Khối Người Việt Quốc Gia ở Miền Nam. Mặt Trận này sẽ là mũi xung kích đánh văng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam một công cụ bù nhìn của Hà Nội. Vì dầu sao các Đảng phái chính trị ở Miền Nam vẫn là những tổ chức có quá trình đấu tranh quyết liệt mà đồng bào Nam Bắc đều biết đến. Tiếc rằng, ông Nguyễn Văn Thiệu không biết khai thác chiêu bài lớn lao này. Vì ông Thiệu lập Mặt Trận chỉ nhằm hậu thuẫn cho cá nhân ông mà không nghĩ đến sự đoàn kết quốc gia trong một mặt trận chống Cộng của toàn dân. Thực chất, các tổ chức chính trị này khi tham gia Mặt Trận lại chỉ mong kiếm ghế. Nhưng ông Thiệu chỉ mời một số nhân vật thân tín tham gia Nội Các như Dược sư Ngô Khắc Tỉnh là người bà con của ông làm Bộ Trưởng Thông Tin, và Luật Sư Lê Trọng Quát làm Thứ Trưởng Thông Tin. Ngoài ra những vị khác chỉ được mời đến họp để lấy ý kiến mà ông Thiệu không đề ra chương trình hành động chung cho Mặt Trận. Kết quả chỉ sau mấy tháng thì Mặt Trận tan rã, ai về nhà nấy. Ông Ngô Khắc Tỉnh lúc đó lại được ông Thiệu thuyên chuyển qua làm Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục nên LS Lê Trọng Quát mất chức Thứ Trưởng Thông Tin phải về vườn liền đứng ra thành lập Lực Lượng Nhân Dân Kiến Quốc do ông làm Chủ Tịch. Đảng Nhân Xã sau đó đưa ông Trương Vĩnh Lễ ra làm Chủ Tịch một thời gian. Năm 1971, Ông Trương Vĩnh Lễ lập liên danh ứng cử vào Thượng Viện nhưng thất bại, liền bỏ cuộc. Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng lại biến thể thành Đảng Tự Do do LS Nguyễn Văn Huyền làm Chủ Tịch cho đến khi Miền Nam rơi vào tay Cộng sản ngày 30-04-1975 là chấm dứt.

Đảng Công Nông với nhân vật Trần Quốc Bửu

Ông Trần Quốc Bửu là một trong những người sát cánh với ông Ngô Đình Nhu trong việc thành lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Thật ra, mới đầu ông Ngô Đình Nhu và các Sáng lập viên lấy tên Đảng là Đảng Công Nông, sau vì tránh ngộ nhận với Đảng Lao Động của Việt Cộng nên quý ông đã đổi thành Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Riêng ông Trần Quốc Bửu chỉ sinh hoạt tích cực trong giai đoạn đầu khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về chấp chính. Sau khi tình hình Miền Nam ổn định, ông Ngô Đình Nhu đã đích thân tổ chức Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam (TLĐLCVN) và trao cho ông Trần Quốc Bửu vai trò lãnh đạo công nhân toàn quốc. TLĐLCVN là một tổ chức nghiệp đoàn có bề thế và uy tín lớn lao nhờ có Tổng Liên Đoàn Công Kỹ Nghệ Hoa Kỳ yểm trợ. Cá nhân ông Trần Quốc Bửu còn được bầu vào chức vụ Phó Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Sau ngày 1-11-1963, nhóm đảo chính cho người bắt bỏ tù ông Trần Quốc Bửu, nhưng Mỹ đã can thiệp buộc phải thả ông ra ngay. Từ đó, ông Trần Quốc Bửu tiếp tục lãnh đạo TLĐLCVN như trước. Vì thấy các đoàn thể chính trị sinh hoạt chẳng ra gì nên ông đứng ra tổ chức Đảng Công Nông cũng do ông làm Chủ Tịch và DB Nguyễn Bá Cẩn làm Tổng Thư Ký. Như vậy, có thể nói Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng hệ phái Trần Quốc Bửu đã công khai xuất hiện theo chiều hướng mới nhằm đáp ứng tình hình đấu tranh chính trị tại Miền Nam trong viễn tượng các bên tham chiến sẽ ký kết với nhau một Hiệp Định đang họp bàn tại Paris, Pháp Quốc. Vì có sẵn nhân sự, cán bộ và cơ sở trong TLĐLCVN nên việc thành lập Đảng Cộng Nông không khó khăn đối với ông Trần Quốc Bửu.

Nhận định về hậu thân của Cần Lao Nhân vị Cách Mạng Đảng

Trong phần I về Lời trối trăng của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (7-07- 2011), người viết đã ghi lại một số sự kiện liên quan đến Đảng Cần Lao và có nhận định: “Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam cũng như công cuộc diệt trừ Cộng sản, từ lý thuyết đến hành động. Tất nhiên CLNVCMĐ cũng có khuyết điểm như bất cứ tổ chức chính trị nào khác. Điều đáng tiếc là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Tổng Bí Thư Đảng vì quá đa đoan trong quốc sự có lẽ đã không còn thì giờ quan tâm nhiều đến Đảng…. Cho nên, thực tế cho thấy tổ chức và sinh hoạt của Đảng chỉ khá mấy năm đầu, còn về sau thì quá rời rạc, nhất là sau khi ông Ngô Đình Nhu ra lệnh giải tán Liên Kỳ Bộ Nam-Bắc thì kể như không còn hoạt động…”

     Đúng như vậy, những tổ chức hậu thân của Đảng Cần Lao như VNNXCMĐ,  CĐCHĐC, LLNDKQ, ĐDCTCG, với các nhân vật Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh, Lê Trọng Quát, Trần Chánh Thành, Cao Xuân Vỹ, Hoàng Xuân Việt, Trương Vĩnh Lễ, vân vân… không đủ tầm vóc, thiếu khả năng tổ chức, không có uy tín như một lãnh tụ cách mạng. Sau khi Ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đảng Cần Lao như rắn mất đầu. Thân rắn còn lại dù có cố gắng ngo ngoe cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Riêng ông Trần Quốc Bửu thành công ít nhiều về mặt Nghiệp Đoàn, nhưng về mặt Đảng vụ cũng yếu kém.

Người viết có dịp tiếp xúc với một số nhân vật được gọi là cốt cán của CLNVCMĐ, nhưng không thu thập được tài liệu đặc biệt nào của Đảng. Tài liệu quan trọng như các văn kiện của Đảng cũng không có. Ngoài một vài lớp huấn luyện Đảng viên lúc ban đầu ở Hà Nội và Đà Lạt, chưa thấy có văn kiện hay sinh hoạt nào khác như Đại Hội Đảng và Quyết Nghị của Đảng, vân vân. Tất cả là do không có sinh hoạt. Còn những bài viết hay tài liệu được tung ra sau ngày 1-11-1963 nhằm bôi nhọ CLNVCMĐ hoàn toàn là bịa đặt, ngụy tạo như cuốn Đảng Cần Lao của Chu Bằng Lĩnh. Các tài liệu đánh phá đều do bọn ký giả bất lương viết theo đơn đặt hàng của bọn phá hoại. Cho nên người viết có cảm tưởng Đảng Cần Lao chỉ là con ngáo ộp mà nhiều người dùng để hù dọa và cũng để gây bất mãn.

Ông Dương Văn Hiếu (DVH), Trưởng Đoàn CTĐBMT có nhận xét khá chính xác về CLNVCMĐ trong buổi phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh (1-10-2006) Thức Tỉnh Tập 2, trang 425-438.

DVH: Về mặt lý thuyết, Cần Lao dựa vào chủ nghĩa Nhân vị được ông cố vấn Ngô Đình Nhu nghiên cứu kỷ. Đảng Cần Lao, tiếc thay, thiếu một chính sách tuyển lựa, huấn luyện và xử dụng cán bộ hữu hiệu. Ngoài ra, còn vấn đề kỷ luật. Đa số đảng viên được chọn trong thành phần công chức có quyền và địa vị. Đảng không đi sâu vào đại chúng ở thành thị, đặc biệt ở nông thôn.  Các khóa tu nghiệp về chủ thuyết Nhân vị do Đức cha Ngô Đình Thục tổ chức tại Vĩnh Long không đào sâu và giải quyết vấn đề. Tôi có dịp thuyết trình về đề tài này trong một phiên học tập về Ấp Chiến lược ở Suối Lồ Ồ năm 1962. Sau đó, tôi có thỉnh cầu ông Nhu, với tư cách Tổng Bí thư Cần Lao, ban huấn lệnh nhưng không thấy ông nói gì. Câu chuyện bỏ qua!
Ông Cẩn ít nặng về lý thuyết hơn ông Nhu. Ông Cẩn có vẻ chú trọng hơn về vấn đề cán bộ, thực tế hơn. Trong nội bộ Cần Lao cũng có nhiều nhóm: nhóm Bắc, nhóm Trung (của ông Cẩn), nhóm Trần Quốc Bửu (Tổng Liên Đoàn Lao Công), nhóm Tinh Thần (Nguyễn Tăng Nguyên), nhóm Nam kỳ Bộ (Huỳnh Văn Lang), nhóm Hà Đức Minh-Trần Văn Trai.. Không thống nhứt. Ít khi thấy Tổng thống nhắc đến đảng Cần Lao. Tổng thống để ý đến Phong trào Cách Mạng Quốc gia. Cần Lao không có Ban Chấp hành Trung ương. Chỉ có Văn phòng Tổng Bí Thư (ông Nhu) gồm có 5 Phòng trực thuộc.

      Tôi không nghĩ đem Cân Lao vào Quân đội hoàn toàn có lợi. Các tướng lãnh đóng vai trò cốt cán trong cuộc chính biến 1-11-1963 phần đông là đảng viên Cần Lao được Tổng thống tin dùng và bị Hoa kỳ mua chuộc.

Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Trong các chính khách lúc bấy giờ ở Miền Nam, có lẽ ông Thiệu chẳng gờm ai ngoài ông Trần Quốc Bửu, người có uy tín, có khả năng tổ chức và lãnh đạo, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Nhưng ông Trần Quốc Bửu là người khôn ngoan, biết tính toán. Ông không vội gì ra tay cạnh tranh với ông Thiệu. Ngược lại ông Thiệu, sau khi lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội chẳng đi tới đâu, lại quyết định thành lập Đảng Dân Chủ nhằm tạo hậu thuẫn cho cá nhân ông. Ban Lãnh đạo Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu gồm có 9 nhân vật:

– Nguyễn Văn Thiệu , Tổng Thống VNCH, Chủ Tịch Đảng

– Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính Phủ

– Trần Trung Dung, Nghị Sĩ  ở Thượng Nghị Viện

– Trần Minh Tùng, Tổng Trưởng Y Tế, Tổng Thư Ký

– Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viên

– Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện

– Đinh Xuân Minh, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viện

– Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt Liên lạc Các Đoàn Thể

– Nguyễn Đình Xướng, Tổng Quản Trị HC/PTT/VNCH

Khi lập Đảng Dân Chủ, ông Thiệu giao hết việc vận động và tổ chức cho Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân. Nguyễn Văn Ngân nguyên là tay chân thuộc hạ của Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Cao Thăng. Khi ông Nguyễn Cao Thăng bị bệnh ung thư phải ra ngoại quốc chữa bệnh thì Nguyễn Văn Ngân được ông Thiệu cho làm nhiệm vụ liên lạc Quốc Hội như ông Thăng đã làm. Sau khi ông Nguyễn Cao Thăng qua đời thì ông Thiệu cử Nguyễn Văn Ngân làm Phụ Tá Đặc Biệt thay ông Nguyễn Cao Thăng. Nhờ vào vị thế này và vì nắm “hầu bao” chi tiền cho các Dân Biểu, Nghị Sĩ thân chính quyền, ông Nguyễn Văn Ngân đã tìm cách lùa các viên chức cán bộ xã ấp, công chức và các sĩ quan đảm nhiệm các chức vụ hành chính như Tỉnh trưởng, Quận Trưởng vào Đảng Dân Chủ. Phe nhóm ông Ngân tổ chức chia ra hệ thống Đỏ và hệ thống Xanh. Đỏ là Quân nhân như Tỉnh Trường, Quận Trường. Xanh là dân sự Viên chức Xã ấp. Có thể nói đây là một Đảng chính trị ô hợp nhất từ xưa đến nay. Ngay bộ phận lãnh đạo nói trên đã cho thấy một sự gượng ép, đồng sàng dị mộng, mà không có sự đồng tâm nhất trí. Dân Biểu Nguyễn Bá Cẩn lúc đó đang là Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, và là Tổng Thư Ký Đảng Công Nông của ông Trần Quốc Bửu, đã được ông Thiệu kéo sang Đảng Dân Chủ cùng với một số Dân Biểu thân chính khác, thế là Đảng Công Nông của ông Trần Quốc Bửu bị “hỏng giò”. Nhưng sự việc đó cũng chẳng ăn thua gì lắm đối với khả năng và uy tín của ông Trần Quốc Bửu, khi một số đồng chí vì quyền lợi mà bỏ Đảng Công Nông ra đi theo Đảng Dân Chủ của ông Thiệu.

Cựu Đảng Viên Cần Lao lại được trọng dụng

Cả hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều dùng người của Cần Lao. Có điều mỗi ông có lối dùng khác nhau. Ông Kỳ tính bộc trực, không thâm hiểm như ông Thiệu. Trong khi ông Nguyễn Cao Kỳ cho Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng ra đời và dùng nhiều cựu Đảng viên Cần Lao thì ông Nguyễn Văn Thiệu lại rất dè dặt và tính kỹ. Ông lo bảo vệ chiếc ghế Tổng Thống nên chỉ dùng giới hạn và ăn chắc như trường hợp DS. Nguyễn Cao Thăng, Cựu Dân Biểu Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa, được ông Thiệu mời làm Phụ Tá Đặc Biệt để “nắm” Quốc Hội. Ngoài ra, nhân vật nào có tiếng và có khả năng là ông Thiệu cho an ninh bám sát, theo dõi ngày đêm. Cụ thể nhất là trường hợp BS Trần Kim Tuyến nhà ở đường Công Lý luôn luôn bị an ninh lảng vảng bên ngoài theo dõi. Ông Tuyến đi đâu là an ninh cặp kè theo sau. Về đến nhà, an ninh lại ngồi canh chừng ngoài cổng!

Câu hỏi cần đặt ra là tại sao TT Nguyễn Văn Thiệu lại cho người bám sát, theo dõi BS. Trần Kim Tuyến? Thưa vì BS Tuyển là Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị trông coi về tình báo (nôm na gọi là mật vụ), quen biết và liên hệ với nhiều nhân vật trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Có thể nói Sở Nghiên Cứu là một phần của hệ thống thần kinh của chế độ. Sở Nghiên Cứu không phải là sáng kiến của TT Ngô Đình Diệm mà là của Mỹ. Chính Mỹ đề nghị TT Ngô Đình Diệm lập cơ quan mật vụ tức Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội tương tự như CIA của Mỹ và chính CIA huấn luyện Bác Sĩ Trần Kim Tuyến trở thanh trùm mật vụ và từng tài trợ ít nhiều cho Sở này.

Cái đáng buồn là khi Mỹ quyết tâm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì họ tung ra nhiều đòn phép rất là độc hại không phải chỉ vào thời điểm đó mà di hại cho đến ngày nay. Trước hết là gây ly gián giữa những nhân vật cao cấp và thân tín của TT Ngô Đình Diệm với Tổng Thống bằng những xúi giục, hứa hẹn chức quyền. Thứ hai là họ gặp riêng một số nhân vật và phe nhóm có khả năng, xúi giục lập nhóm đảo chánh mà thực chất là để “cầm chân”.

Qua hồi ký của nhà thơ Nguyên Sa (trang 336) chuyện xẩy ra tại nhà hàng La Cigale qua một bữa cơm chiều do ông Đặng Đức Khôi tổ chức có sự hiện của BS Trần Kim Tuyến, ông Cao Xuân Vỹ và hai người ngoại quốc (CIA?) được bí mật thu băng lại có trong tay TT Ngô Đình Diệm. Đặng Đức Khôi nói là tình hình thay đổi, phải cho ông bà Nhu đi thì mới yên).

BS Trần Kim Tuyến bị thất sủng sau vụ xin Tổng Thống tha cho ông Nguyễn Xuân Tiếu và ông Nguyễn Văn Lực tháng 1-1962 (bị Công An bắt giam). Hai tháng sau, phi công Nguyễn Văn Cử là con ông Nguyễn Văn Lực ném bom Dinh Độc Lập. Có lần Tổng Thống hỏi BS Trần Kim Tuyến: “Vụ này nghe như ông biết trước phải không?” khiến ” Đương sự lạnh cả người). Ông Nguyễn Văn Lực lãnh tụ VNQDĐ lại bí mật chứa chấp Nguyễn Văn Linh tại nhà (thời Cộng Hòa) sau này Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư Đảng CSVN!

Người thứ hai là ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung. Sau một thời gian bị cầm tù được thả ra, ông được chính quyền “mời” làm việc trở lại tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Ông than phiền chưa khi nào làm việc mà “chán phèo” như thời gian này. Mục đích của ông Thiệu là để “cầm chân” ông Hiếu!

Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Ngay sau khi TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, thời đã có nhiều nơi âm thầm làm lễ cầu nguyện cho anh linh hai vị. Rồi từ đó, hằng năm, cứ đến ngày 2-11, rất nhiều nơi đã làm Lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mới đầu thì ít ỏi vì sợ mang tiếng Cần Lao sẽ bị trả thù. Nhưng dần dần, khi bọn phản tướng bị đá văng ra khỏi chính trường thì việc tổ chức Lễ Tưởng Niệm TT Ngô Đình Diệm đã ở mức quy mô, ở nhiều nơi. Lúc bấy giờ dư luận mới thấy âm mưu lật đổ chính quyền của TT Ngô Đình Diệm là do CIA chủ động. Ngày 1-11-1963, Lou Conein đã ngồi ngay trong phòng làm việc của Trần Thiện Khiêm (là agent của CIA và là người nguy hiểm nhất), gác hai chân lên bàn để chỉ đạo cuộc đảo chánh. Nhóm tướng lãnh thực hiện đảo chánh (Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân, vân vân) chỉ là bọn tay sai đâm thuê chém mướn bằng một cái giá rẻ mạt 40 ngàn Dollars (3 triệu đồng tiền VNCH) do Lou Conein trực tiếp trao cho Trần Văn Đôn để chia nhau sau đảo chánh. Đó là giá máu được trao cho những tên Giu-đa tân thời!

    (Trần Văn Đôn ghi rõ chi tiết trong Việt Nam Nhân Chứng 563 và kế tiếp)

Trong hai năm sau Đảo chính, tình hình chính trị miền Nam thêm rối ren chưa từng thấy. Tình hình cứ xáo trộn mãi cho đến khi nhóm tướng trẻ (Thiệu, Kỳ, Có) loại được Nguyễn Khánh cũng như nhóm dân sự ra đi để Quân Đội trở lại nắm chính quyền. Lúc đó Tướng Nguyễn Hữu Có làm Phó Chủ Tịch UBHPTƯ kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng nhưng Văn phòng làm việc lại đặt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Vì sợ tình hình còn biến loạn nên Nguyễn Hữu Có đã chỉ thị cho đàn em phải dời hai phần mộ của TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu ra Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi, đặt gần ngay mộ của Cố Đại Tướng Lê Văn Tỵ (qua đời năm 1964). Lý do Tướng Có tin rằng vì TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát và thi thể hai ông lại đem chôn ở trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu nên bị “hai ông phá”.

Lễ giỗ cho TT Diệm lần đầu tiên được tổ chức công khai ngay tại Sài Gòn năm 1966 là do Cố Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, cựu Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ  và Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Chánh Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung của ông Ngô Đình Cần, lúc đó cũng làm việc với ông tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Khi được biết Bộ Tổng Tham Mưu đã cho đưa thi hài Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nên hai ông đã thông báo địa điểm phần mộ Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cho một số hội đoàn của ít nhất 7, 8 xứ đạo lân cận Sài gòn, đồng thời xin lễ cầu hồn cho hai Vị tại nhà thờ Xóm Chiếu. Ngày 2/11 năm 1966 đã có một đoàn hàng chục xe Lam chở bà con đem bông, nhang, nến đến thắp, đặt bông, đọc kinh cầu nguyện cho hai Vị tại Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi. Trong khi đó, tại nhà thờ Xóm chiếu do Linh mục Phạm Hoàng Thanh nhận thực hiện. Cha Thanh đã đặt một bàn mồ lớn giữa nhà thờ với đèn nến, bông hoa rất trang trọng. Trên 2 lối vào nhà thờ, cha căng 2 biểu ngữ lớn, nền tím chữ vàng “Lễ Cầu Hồn cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Có 2, 3 thông tín viên ngoại quốc đến chụp hình, quay phim.

Những năm kế tiếp, việc tổ chức Lễ Giỗ TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu được tổ chức liên tục hằng năm tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế số 38 đường Kỳ Đồng, sau đó là Nhà Thờ Đức Bà tức Vương Cung Thánh Đường tại Công Trường Hòa Bình, Sài Gòn ngay trước Bộ Nội Vụ và Tổng Nha Bưu Điện.

Năm 1971, Lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho Cố TT Ngô Đình Diệm tại Vương Cung Thánh Đường tức Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn có thể được coi như là ngày long trọng và lớn lao nhất. Hàng ngàn đại diện Dân, Quân, Cán, Chính và đồng bào đã tề tựu đông đủ vào sáng ngày 2-11-1971. Ban tổ chức đã phân công cho chúng tôi, Cựu Trung Tá Trần Thanh Chiêu và người viết phụ trách vận động đồng bào vùng Thủ Đức, Hố Nai, Biên Hòa. Phái đoàn Thủ Đức, Hố Nai, Biên Hòa được hướng dẫn đến Công Trường Hòa Bình, nhưng thay vì đến thẳng mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà, đã đáp xuống đầu đường Duy Tân rồi sắp hàng thật dài diễn hành chung quanh nhà thờ mà đi đầu là ban kèn Tây Cecilia thuộc Giáo xứ Chân Phúc Khang Thủ Đức với bức chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm được rước đi trước. Khi đoàn diễn hành tiến bước thì ban kèn đồng đã liên tục cử hành bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống vang lên khắp đường phố. Dân chúng đứng chung quanh đã túa ra xem hô to khẩu hiệu “Ngô Tổng Thống Muôn Năm!”. Các phóng viên ngoại quốc chạy đôn đáo chụp hình, quay phim làm bản tin gửi đi khắp nơi.

Sau Thánh Lễ cầu nguyện, thay vì dùng xe di chuyển như những năm trước, Ban Tổ Chức đã quyết định tất cả sẽ cùng diễn hành (đi bộ) từ đại lộ Thống Nhất đến Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để viếng mộ TT Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Thời gian di chuyển tuy có kéo dài thêm vì số người tham dự quá đông diễn hành trên quãng đường khá dài từ Nhà Thờ Đức Bà đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nhưng tất cả đều diễn ra rất trật tự và tốt đẹp.

 Anh em nhớ đến tôi thì làm…

Sau khi Chính Quyền của TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sau khi chứng kiến những thất bại và bất lực của các Chính Phủ sau ngày 1-11-1963, người ta mới thấy việc làm của Mỹ và bọn phản tướng là một sai lầm không sao sửa chữa được. Thật đúng như lời nhận định của Cụ Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân, nguyên Trung Tá Giám Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH:

   “Tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật. Các ông tướng lấy tiền của Mỹ có thể giết được thể xác anh em họ Ngô, nhưng họ không thể giết được thanh danh, tinh thần và uy tín của họ Ngô. Khi các ông tướng xuống tay thì chính cũng là lúc họ tự sát. Họ chết khi còn đang sống.

     Muốn nói gì thì nói, miền Nam từ 1948 đến 1975, chỉ duy nhất có chế độ Ngô Đình Diệm là xứng đáng. Chỉ dưới chế độ ông, quốc gia mới có kỷ cương, có thể thống.

     Không thể đem so sánh chế độ ấy với bất cứ chế độ nào từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Thiệu. Giết anh em họ Ngô, các ông tướng đã vô tình giết cái chính nghĩa quốc gia mà họ vẫn hô hào phục vụ,

    Dù sao người chết đã chết rồi. Chỉ còn một điều đáng ân hận anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn một chính sách, một kế hoạch cần phải thực hiện.

     Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn mới lo củng cố được chính quyền. Họ chưa có thì giờ thực hiện được những điều mà tác giả Nguyễn Văn Minh đề cập đến trong cuốn sách này.”

(Trích Lời Đề Tựa cuốn sách “Dòng Họ Ngô Đình, Giấc Mơ Chưa Đạt” của cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Chánh Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH).

Tưởng niệm TT Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu thật sự không phải chỉ để tiếc nuối chế độ Cộng Hòa đã đem lại an bình, hạnh phúc cho người dân trong suốt 9 năm trời mà phải đi vào hành động cụ thể. Chín năm xây dựng không phải là dễ dàng, bởi vì từ khi về VN chấp chánh, chính phủ Ngô Đình Diệm đã trải qua muôn vàn khó khăn, từ việc ổn định tình hình, dẹp tan các Giáo phái, thống nhất lực lượng Quốc gia, định cư gần một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, vân vân. Sau đó đến việc xây dựng và đặt nền móng căn bản cho chế độ Cộng Hòa, bầu cử Quốc Hội, cải tổ Hành Chính, tổ chức Quân Đội ở tầm mức quy mô, xây dựng và phát triển các ngành, cùng các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, văn hóa, giáo dục… Rồi khi Cộng Sản Bắc Việt cùng với quan thầy Cộng sản Quốc Tế gia tăng xâm nhập phá hoại thì chính phủ Ngô Đình Diệm đã đề ra Quốc Sách Ấp Chiến Lược để đối phó với giặc Cộng. Nhìn lại chặng đường ngắn ngủi 9 năm với bao công việc như thế, phải nói là một kỳ công có một không hai ở Đông Nam Á. Các chính phủ sau ngày 1-11-1963 chỉ là những kẻ thừa kế các di sản đó. Cái khó là đặt nền móng xây dựng chế độ Cộng Hòa và TT Ngô Đình Diệm đã hoàn tất một cách tuyệt hảo. Nếu như các chính phủ sau 1-11-1963 biết bảo vệ và phát triển những thành quả của nền Đệ Nhất Cộng Hòa thì lợi ích biết bao. Tiếc rằng họ bất lực nên Miền Nam trở thành miếng mồi ngon cho Cộng sản.

Trở lại Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, thì hai điều đầu tiên là (1) “Lý thuyết Nhân Vị và (2) đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội” thời dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã làm rồi và trên đà triển khai lý thuyết này qua Quốc sách Ấp Chiến Lược. Sau ngày 1-11-1963, lý thuyết Nhân vị bị bãi bỏ và Đảng Cần Lao bị ngưng hoạt động. Nhưng trên thực tế thì nó vẫn được duy trì dưới một hình thức khác nếu mọi người hiểu cho rằng chủ thuyết Nhân Vị nhằm đấu tranh bảo vệ quyền tự do và phẩm giá của con người. Nói rộng ra thì lý thuyết nhân vị hoàn toàn hướng về con người, là nhân bản, là nhân quyền. Nội dung Tuyên ngôn Nhân Quyền của Cách Mạng Pháp (1789), Tuyên Ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc 1948 cũng đã bao hàm chủ thuyết Nhân vị. Hãy đọc và so sánh hai bản Hiến Pháp 1956 và Hiến Pháp 1967 có khác nhau nhiều đâu. Từ bố cục đến nội dung hầu như Hiến Pháp 1967 đã rập khuôn và sửa đổi lại một số điều khoản. Phần nói về quyền lợi và bổn phận công dân thì hầu như là không thay đổi. Đây chính là nội dung chủ thuyết Nhân Vị đó thôi. Nghĩ lại cũng tức cười. Mấy ông to mồm chống đối “chế độ độc tài” Ngô Đình Diệm, vậy mà khi đắc cử làm Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến 1966 thì đã sao chép lại Hiến Pháp 1956 rồi đem sửa đổi một số điều, có khác chi nhổ ra rồi lại nuốt vô! Nếu chịu khó đọc các bản Hiến Pháp của Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng, Việt Cộng và Hiến pháp VNCH 1956 rồi đem so sánh và tự hỏi: Hiến Pháp VNCH 1967 giống bản Hiến Pháp nào nhất? Chắc chắn là giống Hiến Pháp 1956 thời TT Ngô Đình Diệm hơn bất cứ bản Hiến Pháp nào khác trên thế giới.

Xin trích Lời Mở Đầu của hai bản Hiến Pháp 1956 và Hiến Pháp 1967 để quý độc giả so sánh:

     Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của Tổ Quốc (Lời Mở Đầu Hiến Pháp 1967)

    Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo; (Lời Mở Đầu Hiến Pháp 1956) 

Rõ ràng là các nhà lập hiến 1967 đã sao chép và sửa lại Lời Mở Đầu của Hiến Pháp 1956.

Nhớ lại, Quốc Hội Lập Hiến 1966-1967 gồm toàn những người mới, một số là những nhân vật từng chống đối TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa, chê Hiến Pháp 1956 là không dân chủ. Cũng Quốc Hội này, có nhiều cái đầu to như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Trần Văn Văn, vân vân, vậy mà chẳng làm nên chuyện.

Hiến Pháp VNCH 1967 quy định Quốc Hội gồm có hai viện: Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Các Dân Biểu trong Quốc Hội Lập Hiến được bầu ngày 11-9-1966 (trong đó có các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Phan Quang Đán…) nghĩ rằng Quốc Hội lưỡng viện sẽ dân chủ hơn Quốc Hội Nhất Viện! Nhưng các ông đã tính sai và lầm to nếu biết rằng Hiến Pháp 1967 đã dành cho Hạ Nghị Viện nhiều quyền hơn Thượng Nghị Viện. Hãy coi lại điều 43 khoản 5, 6, và 7  Hiến Pháp 1967 về thủ tục làm luật ở Quốc Hội thì đủ rõ. Hành Pháp chỉ cần nắm được Hạ Viện là có thể chi phối Quốc Hội dễ dàng. Thực tế, TT. Nguyễn Văn Thiệu qua Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng đã “nắm” được Hạ Nghị Viện. Sau đó, khi ông Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1971-1975), ông đã sai đàn em sửa Nội Quy áp dụng thể thức bầu Liên danh Văn Phòng Quốc Hội (cả Thượng Viện và Hạ Viện) trong chủ trương “lấy thịt đè người” thay vì áp dụng thể thức đơn danh như thời Quốc Hội pháp nhiệm 1 (1967-1971). Chính vì chủ trương độc tài của phe nhóm ông Thiệu mà Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền đã từ chức để phản đối và ra khỏi Quốc Hội.

Chế độ Cộng sản là nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu và bán nước

Sau khi tấn chiếm miền Nam, ngụy quyền CS Hà Nội đã biến Việt Nam thành một trong những nước đói nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Nhân quyền bị tước bỏ, tài sản nhân dân bị cướp đoạt, Tôn giáo bị đàn áp. Hơn nửa triệu quân, cán, chính VNCH bị sung vào các trại học tập cải tạo. Nói tóm lại, cả nước là một nhà tù vĩ đại. Cho nên hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tìm tự do bất kể những hiểm nguy đến tính mạng, trong đó nửa triệu người đã biến thành mồi cho tôm cá ở dưới lòng biển. Tệ hơn nữa, tập đoàn CS Hà Nội còn dâng đất, dâng biển cho Trung Cộng nhằm trả món nợ xâm lăng VNCH. Trong tài liệu Chính Đề Việt Nam, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu từng viết:

    “Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

     Sở dĩ ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

     Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các  nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

     Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.” (CĐVN tr. 302)

Lời tiên đoán của ông Ngô Đình Nhu từ nửa thế kỷ trước, nay đã ứng nghiệm. Đất nước hiện đang rơi vào vòng nô lệ ngoại bang và tập đoàn CSVN khó lòng thoát khỏi bàn tay không chế và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Chính Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN là thủ phạm đã rước chủ nghĩa Mác Lê đầy ác ôn đó vào để con cháu chúng ta ngày nay đang phải lãnh nhận một hậu quả vô cùng khốc hại. Bởi tập đoàn Cộng Sản ác ôn đã không còn nhân tính nên dân chúng khắp hai miền cũng không còn được sống trong bầu khí tự do với phẩm giá của một kiếp người. Đảng Cộng sản tự hào là đấy tớ phục vụ nhân dân đã biến thành ông chủ với quyền năng vô hạn. Nhân dân bị chúng lừa bịp xưng tụng là ông chủ đã bị biến thành những tên đầy tớ phục vụ cho các ông chủ tư bản Đỏ! Thật đúng như Engels và Lênin đã khẳng định: “Nhà nước là công cụ của giai cấp này để đàn áp giai cấp khác. Nhà nước được lập nên không phải vì tự do. Nói cách khác, có nhà nước thì không có tự do. Mà có tự do thì không có nhà nước.” Cứ xem từ Đông Âu, Liên Sô, qua Cuba đến Việt Nam, dưới chế độ Cộng sản, có nơi nào dân chúng được tự do? Có nơi nào dân chúng được làm chủ? Bởi vì nơi nào Cộng sản ngự trị thì cuộc sống con người sẽ không còn là người đích thực nữa.

   Nhưng Văn hóa miền Nam vẫn sống mạnh

Sau ngày 30-04-1975, Miền Nam đã bị nhuộm đỏ. Chế độ Cộng Hòa trên thực tế không còn nữa và Việt Nam hoàn toàn đặt dưới sự thống trị của Cộng sản. Nhưng cũng trên thực tế, tuy thắng trên mặt trận quân sự và chính trị nhưng CSBV đã thua trên mặt trận Văn Hóa. Cái gọi là văn hóa đồi trụy của Miền Nam mà Cộng sản Bắc Việt rêu rao đòi tiêu diệt tận gốc rễ lại là vũ khí sắc bén gặm nhấm và âm thầm đồng hóa cái văn hóa xã hội chủ nghĩa phi nhân của Miền Bắc. Nếp sống văn hóa Miền Nam tràn ra Miền Bắc cũng như văn hóa nông nghiệp đồng hóa văn hóa du mục. Bao công trình văn hóa giáo dục của Miền Nam chẳng những không bị tiêu diệt mà còn sống mạnh. Sài Gòn vẫn hơn Hà Nội và Hà Nội mong bắt chước để đuổi kịp Sài Gòn. Giới thanh niên nam nữ và cả những ông bà đại cán của Hà Nội cũng mong bắt kịp lối sống văn hóa văn minh của Miền Nam. Sách báo Hà Nội xưa dùng những ngôn từ ăn nói du côn mất dạy đã phải tự thay đổi để theo nếp sống văn hóa đạo đức có lễ giáo của Miền Nam. Chỉ lấy một thí dụ đơn sơ là mẫu áo dài bà Ngô Đình Như thì đủ rõ. Trước đây, đã bao người chửi rủa bà Ngô Đình Nhu thế nọ thế kia, nhưng cái áo dài bà Ngô Đình Nhu lại là kiểu mẫu áo đẹp, cấp tiến, rất được trân trọng. Phải nói khắp nơi, phụ nữ hai miền Nam Bắc và cả ở hải ngoại đều ưa thích mẫu áo dài đó. Quả đúng về phương diện mỹ thuật, chiếc áo dài bà Ngô Đình Nhu là thời trang đẹp và hấp dẫn, không ai có thể phủ nhận. Đã vậy, nhờ nó mà các nhà vẽ kiểu thời trang đã cải tiến thêm giúp cho phụ nữ Việt Nam đẹp thêm khi bận chiếc áo dài có thể nói là đẹp nhất trên thế giới trong các loại áo dài. Rồi đến nhạc vàng (tình cảm) của Miền Nam bỗng dưng sống lại với cái tên “nhạc Bolero” và được dân chúng khắp hai miền đua nhau hát thay cho thứ nhạc “sản xuất khô khan” của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa!

Câu hỏi được đặt ra là cái gì đã làm cho Văn hóa Miền Nam (VNCH) sống mạnh và lướt thắng văn hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc? Thưa chính là những công trình văn hóa, giáo dục, xã hội ở miền Nam được xây dựng trên tình người, trên nền tảng tự do, dân chủ và nhân quyền đáp ứng được lòng dân mà biểu tượng bằng lá Cờ Vàng ba sọc đỏ. Tất cả những yếu tố đó đều nằm sẵn trong hai chữ Nhân Bản, Nhân Vị mà ra. Người ta không cần phải nói ra nhưng những công trình xây dựng và sinh hoạt đã thấm nhiễm vào đời sống người dân Miền Nam. Dân chủ ở Miền Nam đã đi trước Miền Bắc ít nhất hai thập niên. Cho nên sau ngày 30-04-1975 mà nhất là sau năm 1991, khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Số thì người ta không lạ gì sức đồng hóa của Văn hóa Miền Nam còn gia tăng gấp bội. Dân chủ, nhân quyền, và quyền tự do của con người đã được người dân công khai bày tỏ trên báo chí và các diễn đàn Internet khiến Cộng Sản Hà Nội chóng mặt, phải dùng bạo lực để đàn áp. Rõ ràng chủ trương Tự do, Dân chủ và Nhân quyền luôn đáp ứng yêu cầu của thời đại, là xu thế của thời đại không có gì cưỡng lại được, không phải chỉ ở Âu châu hay Mỹ Châu mà khắp cả thế giới. Chính vì thế mà sau 70 năm trời bị đặt dưới sự thống trị của chế độ Cộng sản phi nhân, người dân từ Ba Lan, Đông Đức qua đến Liên Xô đã đồng loạt đứng lên đánh đổ chế độ độc tài ác ôn nhằm xây dựng chế độ tự do, dân chủ, tôn trọng quyền tự do và phẩm giá của con người. Chủ nghĩa Cộng sản là thứ chủ nghĩa phi nhân độc hại, phải bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người. Còn bị nó thống trị thì xã hội loài người còn đói khổ, chết chóc. Còn bị nó thống trị thì người dân còn là nô lệ, bị bóc lột. Xin hãy coi lại những lời nhận định chân thành của các nhân vật đầy uy tín trên thế giới:

  1. TT Nga Dmitry Medvedev tuyên bố tại Washington: Stalin was a killer (Stalin là tên sát nhân, ngày 15.04.2010).
  2. Russia President Vladimir Putin, TT Nga: “He who believes the communists has no brain. He who follows the communists has no heart”. Ai tin cộng sản là không có cái dầu. Ai theo lời của Cộng sản là không có trái tim.
  3. Russian President Boris Yeltsin (Tổng Thống Nga): You can build a throne with bayonets, but you can’t sit on it for long. Communists are incurable, they must be eradicated. Anh có thể xây ngai vàng bằng lưỡi lê, nhưng anh không thể ngồi lâu trên đó. Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải chúng nó đi.
  4. Soviet Secretary Mikhail Gorbachev (Tổng Bí Thư Xô Viết): I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that The Communist Party only spread propaganda and deceives. Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng sản. Hôm nay, tôi đau buồn mà thú nhận rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá. Vân vân và vân vân.

Tóm lại, muốn thoát chế độ cộng sản thì đừng sợ những gì Cộng sản làm, mà hãy làm những gì Cộng sản sợ!

     Tinh thần Cần Lao Nhân Vị còn thích hợp không?

Cần Lao Nhân Vị là cần mẫn dùng sức lao động để làm việc phục vụ con người. Vì con người hay Nhân vị là đối tượng là cứu cánh để phục vụ phải được phát triển toàn diện. Hiểu theo nghĩa đúng đắn ấy thời Tinh thần Cần lao vẫn luôn có giá trị cần phải được bảo tồn và phát huy. Tình thần ấy khác hẳn với cá nhân trong chủ nghĩa Mác Lê, coi con người là cá nhân, là công cụ cho tập thể. Nay Mác Lê đã bị quăng vào sọt rác thời ý niệm Nhân vị, Nhân quyền, Nhân bản phải được làm sáng tỏ ra.

Trong lời trối trăng, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu không nói đến Đảng Cần Lao mà chỉ nói đến Lý Thuyết Nhân Vị và đưa lý thuyết Nhân Vị vào Hiến Pháp. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa không còn, Hiến Pháp VNCH cũng bị ngưng thi hành thì công cuộc đấu tranh giành lại chính quyền đề đưa Lý Thuyết Nhân Vị vào Hiến Pháp thay thế chủ thuyết Cộng sản lỗi thời là điều khẩn thiết phải làm. Muốn được như thế thì nhân dân VN cách riêng những đoàn thể quốc gia và nhất là giới trẻ cần phải hoạt động tích cực dưới một hình thức nào đó đáp ứng được nhu cầu của tình hình nhằm giải thể chế độ Cộng sản và thực hiện cuộc Cách Mạng Nhân Vị lần thứ hai cho Việt Nam. Một nhân vật lãnh đạo từng nói: “Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới”. Tất nhiên phải có nhân sự mới. Nhưng muốn làm Cách Mạng thời phải có tổ chức Cách Mạng. Nhưng làm thế nào để có tổ chức cách mạng? Ông Ngô Đình Nhu chỉ cho ta một phương thức: “Không dám nói là anh hùng tạo thời thế nhưng chúng ta tin chắc rằng những việc làm hữu cơ và quyết tâm đều có thể tạo nên cơ quan.” Đó là bửu bối, là chìa khóa của tổ chức.

Xem tiếp phần 3

Leave a comment